"Chúng tôi sẽ ủng hộ phương án cho cầu thủ U22 Việt Nam ra sân mỗi trận. Đó là điều rất tốt để phát triển bóng đá trẻ và nâng cao chất lượng tuyển U22 hay đội tuyển Việt Nam", HLV Kiatisak (CLB Hoàng Anh Gia Lai) chia sẻ.
* HLV Bozidar Bandovic (CLB Hà Nội): Đây là một quyết định đúng đắn
Đầu tiên, chúng tôi cần cải thiện khả năng của các cầu thủ, đồng thời cho họ cơ hội thi đấu. Mặt khác, các cầu thủ trẻ cũng cần tập luyện chăm chỉ và kỷ luật. Các cầu thủ trẻ của chúng tôi có chất lượng và họ sẽ nhận được cơ hội để thi đấu.
Tôi nghĩ rằng đây sẽ là quyết định tốt, bởi các cầu thủ sẽ cải thiện được năng lực chuyên môn khi được chơi nhiều trận đấu.
* HLV Velizar Popov (CLB Thanh Hóa): Tôi sẽ ủng hộ nếu nó được áp dụng
Tôi thích quy định này và sẽ ủng hộ nếu nó được áp dụng ngay từ V-League mùa tới. Tôi nghĩ một cầu thủ U-22 có thể đá chính mỗi trận đấu và chơi tối thiểu 45 phút. Điều này sẽ giúp ích cho sự phát triển chuyên môn của các cầu thủ.
Từng làm việc gần 4 năm với đội tuyển U23 Myanmar, tôi rất hiểu lợi ích từ việc thi đấu nhiều. Ở Giải vô địch Myanmar, nhiều cầu thủ trẻ được thi đấu vì các đội không có tiền và họ chỉ chơi với các cầu thủ trẻ.
* HLV Flavio Cruz (CLB Công An Hà Nội): Đá hay sẽ được ra sân
Trong bóng đá chuyên nghiệp, cầu thủ nào đá hay sẽ được ra sân, cho dù là 17 tuổi. Chúng ta phải hiểu rằng nếu ủng hộ sử dụng cầu thủ trẻ thi đấu thì những cầu thủ ở độ tuổi chín muồi (27 đến 30) sẽ đi đâu? Về việc ủng hộ cầu thủ trẻ, tôi nghĩ VFF sẽ tổ chức thêm giải đấu để họ thể hiện và được ra sân nhiều hơn.
Tại sao tôi lại không dùng trung vệ Quang Thịnh sau 8 trận V-League 2023? Nếu Quang Thịnh đạt được trình độ như tôi mong muốn và phù hợp với cách chơi, anh ấy sẽ có cơ hội ra sân.
* HLV Nguyễn Đức Thắng (CLB Topenland Bình Định): Nên trao cơ hội cho các cầu thủ U22
Các tuyển thủ U22 Việt Nam dưới thời HLV Troussier đã thể hiện sự tiến bộ qua từng trận đấu. Vì vậy, trao cơ hội để họ ra sân nhiều ở giải đấu quốc nội là điều nên làm nhằm phát triển chuyên môn.
Tuy nhiên, VFF phải đưa ra quy chế, mỗi đội trên sân phải có bao nhiêu cầu thủ U22, sử dụng bao nhiêu phút thì mới tạo được sự đồng đều trong việc cùng trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ ra sân. Khi đó, muốn tham gia cuộc chơi, CLB phải ủng hộ.
Nếu trông chờ trình độ các cầu thủ trẻ mà có thể đáp ứng ngay được với V-League, trong khi các HLV luôn bị đòi hỏi về thành tích, thì không CLB nào dám mạo hiểm sử dụng cầu thủ trẻ cả.
Điều quan trọng là VFF phải có kế hoạch sớm để các CLB có sự xây dựng và chuẩn bị. Không đào tạo được cầu thủ trẻ chất lượng, các CLB phải mua hoặc mượn về thi đấu. Điều này sẽ thúc đẩy đào tạo trẻ. Vấn đề là VFF và các CLB có quyết tâm trao cơ hội cho cầu thủ trẻ nhiều hơn không. Vì đây là câu chuyện không mới và bao năm qua chúng ta đã không làm được dù từng có ý tưởng.
Chuyện quy định cho cầu thủ U22 vào sân thi đấu nếu VFF muốn áp dụng thì cũng cần quy định cụ thể là đá tối thiểu bao nhiêu phút. Bóng đá Trung Quốc cũng từng áp dụng cho cầu thủ trẻ vào sân, các CLB phải tuân theo nhưng rồi vẫn thất bại do các CLB lách luật, họ đưa cầu thủ trẻ vào có vài phút rồi lại thay ra. Điều này đến từ việc đào tạo trẻ kém, không sử dụng được thì phải thay sớm.
* HLV Vũ Hồng Việt (CLB Nam Định): Nên có giải trẻ song song với V-League
VFF nên tổ chức một giải trẻ song song với V-League. Kiểu như V-League trẻ, tổ chức vào ngày hôm sau của V-League. Khi các cầu thủ trẻ được thi đấu thường xuyên ở giải này và thể hiện được khả năng, phong độ tốt thì các HLV có thể cho thi đấu ở đội một ở trận kế tiếp của V-League. Như thế, các cầu thủ trẻ sẽ được cọ xát và có thêm kinh nghiệm thi đấu để phát triển.
VFF cần thảo luận kỹ hơn với các CLB
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo VFF chia sẻ: "Chúng tôi hiểu rõ việc các cầu thủ trẻ cần ra sân nhiều để trưởng thành. Nhưng đó là điều mà không phải VFF muốn là được mà tùy thuộc vào các CLB. Việc các giải đấu quốc nội tạm ngừng cho U22 Việt Nam tập trung chuẩn bị cho SEA Games 32 là điều chúng tôi không muốn.
Vì thế, muốn thay đổi, VFF phải ngồi lại với các CLB để thảo luận nhằm tìm hướng giải quyết tốt hơn trong thời gian tới. Đó không chỉ là chuyện cần trao cơ hội nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ mà còn là chuyện làm sao không phải dừng các giải đấu quốc nội để cho đội U22 tập trung".
Nên mở rộng quy định mỗi đội có thêm 5 cầu thủ U20
Đây là góc nhìn của bình luận viên Quang Tùng trong việc tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thi đấu. Anh phân tích:
"Việc LĐBĐ VN (VFF) chỉ định tuyển U20 Việt Nam tham dự Asiad 19 vào tháng 9 tới và xa hơn nữa là Giải vô địch U23 Đông Nam Á 2024, theo tôi, là điều đáng hoan nghênh. Đó chính là sự chuẩn bị cho lực lượng kế thừa ở tuyển U23 và đội tuyển quốc gia. Nhưng vấn đề là cách làm như thế nào là hợp lý nhất.
Một năm cầu thủ chỉ đá được vài trận ở giải trẻ. May mắn lọt vào vòng chung kết U17, U19 hay U21 thì đá thêm được đôi ba trận nữa. Tổng cộng chừng chục trận. Như vậy làm sao các tài năng trẻ có cơ hội chứng minh năng lực. Đầu những năm 2000, chúng ta từng tổ chức sân chơi cho đội hình 2 của các CLB chuyên nghiệp, giống cách làm của bóng đá thế giới. Nhưng rồi sân chơi này sớm lụi tàn. Có lẽ đây là lúc khôi phục giải đấu này.
Một cách làm khác là chia bảng đấu theo khu vực, vùng miền. Tổ chức đá vòng tròn hai lượt, chọn đội nhất nhì đi đá vòng chung kết toàn quốc với các khu vực khác. Đá như vậy, cầu thủ được cọ xát nhiều, kinh phí không quá tốn kém cho CLB.
Mặt khác, có nhất thiết phải gút danh sách mỗi đội chuyên nghiệp 25 cầu thủ? Tại sao không mở rộng quy định mỗi đội có thêm 5 cầu thủ U20. Được gọi lên tập cùng các đàn anh, họ sẽ nhanh trưởng thành hơn là tập ở đội trẻ. Điều này trở thành động lực giúp cầu thủ trẻ nỗ lực để được gọi lên đội chuyên nghiệp.
Có nhiều giải pháp để cầu thủ trẻ được chơi nhiều hơn. Vấn đề quan trọng là giữa VFF, VPF và CLB phải có sự cân bằng về quyền lợi một cách hài hòa. Chẳng hạn việc chi thưởng cao cho CLB nào sử dụng nhiều cầu thủ trẻ, cung cấp nhiều cầu thủ trẻ cho đội tuyển quốc gia mọi cấp độ".
SĨ HUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận