Ba cơ chế hút vốn tư nhân làm cao tốc
Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (dự thảo nghị quyết Quốc hội về gỡ vướng cho đầu tư cao tốc theo PPP) đã đưa ra nhiều cơ chế đột phá quan trọng để hút vốn tư nhân đầu tư vào các dự án cao tốc theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong thời gian tới.
Đó là tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP; phân quyền cho các địa phương được quyết định đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc chạy qua nhiều địa phương; sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác trong trường hợp dự án chạy qua nhiều địa phương.
Giải thích về đề xuất 3 cơ chế mới này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng quy định hiện hành (khoản 2 điều 69 Luật PPP) khống chế tỉ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng vốn đầu tư dự án PPP. Trong khi nhiều dự án đang chuẩn bị đầu tư có nhu cầu chi giải phóng mặt bằng lớn, chiếm tỉ lệ cao trong tổng vốn đầu tư dự án.
Nếu áp dụng đúng tỉ lệ này, các dự án cao tốc PPP sẽ kéo dài thời gian hoàn vốn, khó khăn trong huy động vốn từ nhà đầu tư tư nhân và các ngân hàng.
Bên cạnh đó, vốn nhà nước tham gia vào các dự án cao tốc, quốc lộ đầu tư theo PPP không bao gồm kinh phí chi trả, giải phóng mặt bằng.
Đối với đề xuất phân cấp cho địa phương được quyết định đầu tư các dự án cao tốc PPP, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ chế này sẽ gỡ vướng, tạo chủ động cho địa phương trong huy động nguồn lực, tham gia đầu tư các công trình quốc lộ, cao tốc để giải quyết các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hiện nay, nhiều địa phương đã đề xuất được làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải như các dự án cao tốc: Mộc Châu - Sơn La, Bắc Ninh - Phả Lại đoạn qua Bắc Ninh, Tuyên Quang - Phú Thọ giai đoạn 2, Tuyên Quang - Hà Giang - Thanh Thủy, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua Hải Phòng, Ninh Bình.
Về đề xuất sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác để cùng làm một dự án cao tốc PPP trong trường hợp dự án chạy qua nhiều địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có những dự án cầu đường bộ, hầm đường bộ trên tuyến cao tốc chạy qua 2 địa phương thì rất khó để mỗi địa phương đầu tư một nửa cây cầu, một nửa hầm đường bộ. Vì thế nếu bổ sung quy định này sẽ gỡ vướng cho nhiều dự án hiện nay.
Những dự án nào được hưởng lợi?
Cũng theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới thì có khoảng 11 dự án cao tốc, quốc lộ sẽ được hưởng cơ chế thí điểm này.
Trong đó có các dự án cao tốc: Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng); Bảo Lộc -Liên Khương giai đoạn 1; Hòa Bình - Mộc Châu; Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua TP Hải Phòng; Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình; Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long đoạn từ vành đai 4 đến quốc lộ 18 đoạn qua Bắc Ninh.
Cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đoạn qua Bình Phước; dự án mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm nâng cấp mở rộng tuyến Cần Thơ - Hậu Giang; nâng cấp quốc lộ 61C đoạn qua TP Cần Thơ và đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ - huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang); mở rộng quốc lộ 14G; đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông, TP Buôn Ma Thuột.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận