26/07/2012 07:55 GMT+7

Đề xuất phạt người mua dây điện cắt trộm

N.ẨN - G.MINH - Q.KHẢI
N.ẨN - G.MINH - Q.KHẢI

TT - Đây là đề xuất của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM khi nạn trộm cắp dây điện chiếu sáng xảy ra thường xuyên khiến mỗi năm ngân sách TP tốn hàng chục tỉ đồng để khắc phục.

dZPuy3r9.jpgPhóng to
Các mẫu dây điện Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM thông báo hay bị mất trộm - Ảnh: G.M.

Cụ thể, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND các quận, huyện phạt nặng các điểm mua bán phế liệu mua dây cáp điện chiếu sáng công cộng không có nguồn gốc rõ ràng.

Xử phạt còn nhẹ

"Hiện trường một số vụ báo mất dây điện có khác thường, dây mất ở trên độ cao 4-5m, bị cắt ở giữa - nơi chỉ có thiết bị nâng chuyên dùng mới với tới được..."

Ông Trần Văn Bình (đội phó đội điều tra tội phạm về trật tự - xã hội Công an Q.11)

Mỗi năm thiệt hại gần 35 tỉ đồng

Theo một cán bộ Sở GTVT TP, trong năm năm qua (từ năm 2007 đến nay) đã xảy ra hơn 9.650 vụ trộm dây cáp điện chiếu sáng công cộng, làm 29.810 bộ đèn bị tắt, gây thiệt hại hơn 174 tỉ đồng. Tuy nhiên chỉ có 228 vụ trộm được phát hiện và 92 vụ được đưa ra tòa xét xử.

Theo kiến nghị của Sở GTVT TP, các quận huyện cần phổ biến đến tận người dân và các cơ sở kinh doanh phế liệu nhận dạng dây cáp điện chiếu sáng công cộng để từ chối mua loại dây này. Đồng thời, các quận huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thiết lập đường dây thông tin 24/24 giờ để người dân thông báo các trường hợp trộm cắp dây cáp điện...

Theo Sở GTVT TP, việc bắt giữ và đưa ra xét xử các đối tượng trộm cắp dây cáp điện chiếu sáng còn ít vì hệ thống chiếu sáng công cộng chưa được quy vào “công trình an ninh quốc gia” nên mức phạt kẻ trộm dây điện chưa đủ sức răn đe. Sở GTVT TP đề nghị UBND TP kiến nghị Bộ Công an trình Thủ tướng xem xét việc đưa dây cáp điện vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia để nâng mức xử phạt đối với các đối tượng trộm cắp dây cáp điện.

Có liên quan người trong ngành?

Theo một cán bộ Công an Q.11, cuối năm 2011 Công ty Chiếu sáng công cộng TP chuyển nhiều văn bản thông báo về các vụ mất trộm dây điện, đề nghị Công an Q.11 xác nhận để thanh toán kinh phí khắc phục và triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý. Tuy nhiên, khi công an kiểm tra hiện trường thì dây còn nguyên và công ty nói đã khắc phục xong rồi, hỏi người dân quanh khu vực thì không ai biết gì!

Công an Q.11 đã đề nghị phải làm rõ từng vụ báo mất dây điện, có hiện trường, được kiểm tra, khám nghiệm theo quy định mới xác nhận. Từ đầu năm nay, phía Công ty Chiếu sáng công cộng TP có báo từng vụ việc, phía Công an Q.11 cũng khám nghiệm hiện trường, lập hồ sơ, nhưng đa số các vụ mất dây cáp điện không khởi tố vụ án được.

Ông Trần Văn Bình, đội phó đội điều tra tội phạm về trật tự - xã hội Công an Q.11, cho biết trong hơn 20 vụ mất dây cáp điện mà Công ty Chiếu sáng công cộng TP báo từ đầu năm tới nay, khám nghiệm hiện trường cho thấy các vết cắt đều đã cũ, không xác định được thời gian mất, không thu giữ được dấu vết gì khác. Hiện trường một số vụ báo mất dây điện có khác thường, dây mất ở trên độ cao 4-5m, bị cắt ở giữa - nơi chỉ có thiết bị nâng chuyên dùng mới với tới được...

Thiếu tá Phạm Đình Ngọc, đội trưởng đội tham mưu tổng hợp Công an Q.Bình Tân, cho biết từ năm 2007 đã ghi nhận các vụ mất dây điện chiếu sáng, nhưng đa số là nhận văn bản thông báo chứ không khám nghiệm hiện trường từng vụ việc. UBND quận, Công an Q.Bình Tân đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa nạn mất trộm dây cáp điện. Phía công an cũng yêu cầu phải khám nghiệm hiện trường từng vụ việc, có thật mới xác nhận việc mất dây cáp điện. Do đó, từ đầu năm tới nay số vụ báo mất dây cáp điện giảm hẳn.

Liệu các vụ mất trộm dây cáp điện có liên quan đến những nhân viên trong ngành? Ông Nguyễn Xuân Thái, giám đốc Xí nghiệp tuần tra giám sát (Công ty Chiếu sáng công cộng TP), cho rằng: “Các trường hợp cắt trộm dây chiếu sáng bị bắt chưa có trường hợp nào là nhân viên của xí nghiệp hay công ty. Hơn nữa, chúng tôi in danh sách tên tuổi, hình ảnh của các nhân viên phụ trách địa bàn và những dấu hiệu nhận biết trên đồng phục của nhân viên gửi đến từng tổ dân phố để phổ biến cho người dân. Chưa kể khi người của công ty, xí nghiệp đi sửa chữa đường dây thì phải có giấy công tác... nên muốn cắt trộm không phải dễ”.

Trao đổi về những băn khoăn mà phía công an đưa ra, ông Thái nói: “Tôi khẳng định việc mất cắp dây điện chiếu sáng đều được báo cáo lập biên bản theo quy trình và không có gì khuất tất. Nếu công an bắt được vụ cắt trộm dây điện chiếu sáng nào liên quan đến người của công ty, chúng tôi rất hoan nghênh và xử lý tới nơi tới chốn”.

Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cần thời gian để tuyên truyền

Việc xử lý những người mua dây điện không rõ nguồn gốc là cần thiết nhằm hạn chế nạn trộm cắp dây điện, nhưng cần phải có thời gian để tuyên truyền, phổ biến cho người dân.

Trường hợp những người mua phế liệu nhận biết các loại dây điện không rõ nguồn gốc mà vẫn mua có thể bị xử lý hình sự về tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo điều 250 Bộ luật hình sự. Người phạm tội này có thể bị xử phạt từ 7-15 năm tù và có thể bị phạt tiền từ 3-30 triệu đồng...

TÂM LỤA ghi

N.ẨN - G.MINH - Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp