Nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp đang được đưa ra - Ảnh: Q.ĐỊNH
Chính phủ vừa đưa ra dự thảo nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để lấy ý kiến, với quan điểm đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp với phương châm "sớm nhất - hiệu quả nhất".
Tờ trình dự thảo do Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu rõ, tình trạng doanh nghiệp rất khó khăn về dòng tiền, do đó cần tiếp tục có các chính sách, giải pháp như miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế phải nộp, phí phải đóng.
Theo đó, dự thảo nghị quyết đề xuất nghiên cứu chính sách để tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp đến tháng 6-2022. Có phương án hỗ trợ các hãng hàng không, kiểm soát giá cước vận tải biển, logistics; nghiên cứu giảm giá điện cho các kho chứa hàng, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản, cơ sở lưu trú.
Khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021, có thể xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Nghiên cứu để doanh nghiệp lữ hành được tạm thời rút tiền ký quỹ, giảm thời gian giải quyết rút tiền ký quỹ từ 60 ngày xuống 30 ngày; tiếp tục gia hạn giảm phí cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết tháng 12-2021.
Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh.
Đồng thời theo dõi, đôn đốc các ngân hàng thương mại triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, doanh nghiệp thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự thảo cũng đề nghị xem xét việc miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên; giảm đóng kinh phí công đoàn trong năm 2021 và 2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Địa phương xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí xét nghiệm cho người lao động, giảm phí sử dụng công trình hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng ở cửa khẩu, cảng biển…
Ngoài các chính sách trên, dự thảo cũng có các giải pháp trọng tâm như thực hiện biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, hiệu quả để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia như áp dụng linh hoạt và nới lỏng quy định cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; đẩy nhanh việc nghiên cứu, đàm phán, công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vắc xin"...
Hết năm 2021, khoảng 1 triệu doanh nghiệp được hưởng chính sách tín dụng
Mục tiêu chính sách hỗ trợ là kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.
Phấn đấu đến hết năm 2021, khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19. Khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất và khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận