Chợ đầu mối Thủ Đức vào tháng 6-2021 - Ảnh: D.N.HÀ
Sở Công thương TP.HCM đề xuất phối hợp với Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) nghiên cứu đề án Phát triển hệ thống chợ đầu mối TP.HCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và chuyển đổi số nền kinh tế.
Theo Sở Công thương, đề án sẽ đề xuất mô hình hoạt động hệ thống chợ đầu mối tại TP.HCM bền vững, an toàn, hiệu quả trong điều kiện sống chung với dịch COVID-19 và sự phát triển của kinh tế số trong hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ nay đến ngày 15-11): nghiên cứu mô hình hoạt động của hệ thống chợ đầu mối trong giai đoạn chuyển tiếp thích ứng với bối cảnh dịch bệnh.
Giai đoạn 2 (từ 15-11-2021 đến 30-6-2022): nghiên cứu mô hình chợ đầu mối hiện đại trong nền kinh tế số áp dụng cho hệ thống chợ đầu mối tại TP.HCM trên cơ sở phát triển hệ thống chợ đầu mối trong giai đoạn 1.
Dự kiến đề án sẽ nghiên cứu các khung cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý chợ; gợi ý các mô hình quản lý hiện đại cho ban quản lý chợ đầu mối trên nền tảng chuyển đổi số và đáp ứng quy định công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời, đề án sẽ nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị về chính sách liên quan đến lực lượng lao động tham gia công tác vận hành chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành (tiểu thương, thương nhân, đơn vị sản xuất, cung ứng, vận chuyển, hậu cần...) đảm bảo phù hợp tình hình mới và quá trình chuyển đổi sang mô hình hiện đại.
Ba chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM hiện đang hoạt động gần như chợ truyền thống với lực lượng lao động khoảng 100.000 người mỗi đêm.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, dịch COVID bùng phát mạnh khiến cả ba chợ đều phải đóng cửa. Hiện nay, cả ba chợ đều đã được thí điểm mở điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa và đang hoạt động tương đối ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận