Phóng to |
Bán hàng rong chèo kéo khách du lịch tại nhà thờ Núi, TP Nha Trang - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trưởng Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch, đã chủ trì hội nghị.
Chèo kéo khiến khách tẩy chay
Theo Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch, tình trạng cướp giật, chèo kéo, đeo bám, chèn ép khách du lịch tại các điểm du lịch hiện vẫn tiếp diễn ở các khu vực trung tâm thành phố, điểm du lịch... Chính quyền một số đô thị và các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp nhưng kết quả đạt được vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực...
Để xảy ra tình trạng này, theo ban chỉ đạo, chính quyền một số địa phương còn buông lỏng quản lý, nhiều cơ quan quản lý chồng chéo nhưng thiếu đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm; thiếu thông tin cảnh báo đến du khách. Mức sống trong dân cư phần đông còn thấp, nếp sống văn minh, ý thức trách nhiệm chưa nghiêm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trước đây du lịch phát triển khá nhưng gần đây phát triển chậm lại, một trong nhiều nguyên nhân là tình hình mất an toàn, an ninh trật tự không được cải thiện.
Xây dựng điểm du lịch văn minh Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về cải thiện môi trường du lịch VN giai đoạn 2013-2020 đã đề ra bốn nhiệm vụ, 14 nhóm giải pháp cụ thể, với mục tiêu hướng đến năm 2020 giảm 70% số vụ việc xâm hại tài sản, tính mạng của khách du lịch (so với năm 2013); đảm bảo ổn định giá cả dịch vụ phục vụ du lịch, tăng không quá 15% các dịp cao điểm; tiếp tục duy trì không còn tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch tại các khu, điểm du lịch; hình thành hệ thống các khu, điểm du lịch dịch vụ khách du lịch văn minh, hiện đại, mang đẳng cấp quốc tế, đặc trưng của VN... |
Theo ông Lê Thanh Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những ngày cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) lượng khách đến tỉnh nghỉ rất đông, nhiều lúc quá tải nên đã xảy ra tình trạng nâng giá, ép khách, “chặt chém” chủ yếu là các nhà hàng.
Nếu trước đây tình trạng này chỉ xuất hiện ở khu vực Bãi Sau thì hiện đã lan rộng. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh dự kiến thành lập trung tâm hỗ trợ du khách để thông qua đường dây nóng du khách phản ảnh tình hình nhằm phối hợp xử lý kịp thời.
Đề cập về những khó khăn trong việc giải quyết tình trạng chèo kéo du khách ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng khi phát hiện và lập biên bản với các trường hợp người bán hàng rong chèo kéo du khách, quy định hiện nay cũng không thể giữ họ quá 12 tiếng và áp dụng mức phạt đụng trần chỉ là 150.000 đồng nên không đủ sức chế tài.
Vì vậy xảy ra tình trạng khi bị bắt, lập biên bản chỗ này thì họ sang chỗ khác bán tiếp.
Tình trạng chèo kéo không chỉ xảy ra ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... mà còn lan rộng sang nhiều địa phương khác. Đại diện tỉnh Thanh Hóa cho rằng nạn chèo kéo, ép giá du khách đang xảy ra hết sức nghiêm trọng ở khu du lịch Sầm Sơn, tình hình này nếu kéo dài có nguy cơ du khách sẽ tẩy chay, không đến Sầm Sơn.
Các địa phương tham gia hội nghị kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng cướp giật, chèo kéo, đeo bám, ép giá khách du lịch; phát động Chiến dịch cải thiện môi trường du lịch VN...
Kinh nghiệm của TP.HCM
Ông Lã Quốc Khánh, phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, cho biết tám năm trước TP đã xây dựng lực lượng hỗ trợ du khách nhưng lượng khách đến ngày càng tăng và tình hình có những diễn biến phức tạp nay phải tăng cường nhân sự. Ông Khánh đề xuất phải thành lập lực lượng cảnh sát du lịch vì tính cần thiết của lực lượng này sẽ giúp cải thiện tình hình.
“Các quốc gia như Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Indonesia... đang có lực lượng này và hỗ trợ rất tốt cho du khách” - ông Khánh dẫn chứng. Bà Phạm Thị Thu Thủy, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ủng hộ ý kiến phải tiến hành thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để hỗ trợ du khách và trấn áp kẻ xấu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh “nụ cười của khách du lịch chính là tương lai của du lịch VN”, theo đó lấy sự hài lòng của khách du lịch làm tiền đề phát triển lâu dài và bền vững của ngành du lịch VN.
Nhiều mô hình du lịch cần nhân rộng Đối phó với tình trạng “chặt chém”, chèo kéo du khách, một số địa phương đã có những giải pháp riêng biệt. Cụ thể tại TP.HCM đã thành lập lực lượng bảo vệ du khách, phát huy sức mạnh liên ngành, thành lập trung tâm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng tại Đà Nẵng. Đặc biệt là việc vận dụng lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động tất cả đối tượng kinh doanh dịch vụ du lịch nhận thức vai trò của tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đối với sự phát triển của du lịch và hình ảnh điểm đến... Hội An (Quảng Nam) được xem là mô hình có thể nhân rộng ở nhiều điểm đến trong cả nước. T.DŨNG - T.VŨ - V.TRƯỜNG |
Ông Nhân cũng đồng ý cần có các trung tâm hỗ trợ du khách ở những vùng trọng điểm phát triển du lịch.
Trao đổi với các ý kiến về cảnh sát du lịch, kết luận của ông Nhân nêu rõ đây là việc chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.
Từ đây đến hết quý 4-2013, Bộ VH-TT&DL cần rà soát các quy định để xác định có thể giao cho lực lượng cảnh sát lo về trật tự an toàn xã hội làm thêm chức năng trật tự an toàn cho du lịch được hay không. Đồng thời, cần xem xét đến khả năng hình thành lực lượng cảnh sát du lịch.
Chấn chỉnh taxi, thêm nhà vệ sinh
Về hình thành các chợ du lịch địa phương, ông Nhân nói ý tưởng này hay, đề nghị các địa phương chủ động làm để giới thiệu sản phẩm theo mùa, theo tuần... Ngoài ra, khuyến khích những thành phố trung tâm du lịch nên có Internet không dây để khách có thể truy cập trong và ngoài khách sạn, tham khảo kinh nghiệm của Hội An, khu vực Hạ Long...
Ông Nhân yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh taxi, trong đó có phục vụ du khách. Có thể dùng camera như ở khu vực sân bay Nội Bài làm, hoặc dùng chip điện tử để nhận dạng taxi vi phạm và xử lý ngay.
Nhiều ý kiến cũng đề cập vấn đề nhà vệ sinh phục vụ du khách. Trao đổi thêm, ông Nhân gợi mở đối với những tuyến du lịch đi qua các tỉnh, các công ty lữ hành phối hợp với chủ cây xăng để thỏa thuận về phục vụ nhu cầu vệ sinh cho du khách, kể cả biện pháp công ty lữ hành góp kinh phí duy trì đảm bảo vệ sinh hoặc địa phương hỗ trợ kinh phí.
Ông Nhân băn khoăn tại các điểm tham quan lớn ở TP.HCM, chỉ 26% số điểm có nhà vệ sinh đạt yêu cầu trong khi có đến 74% chưa đạt... “Làm sao từ nay đến cuối năm có bức tranh tổng thể tình hình nhà vệ sinh phục vụ du lịch trong cả nước. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cần sớm có chỉ đạo để xây dựng hạ tầng văn hóa này cho du lịch” - ông Nhân yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận