27/07/2023 19:12 GMT+7

Đề xuất kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào ga Hà Nội, ga Sài Gòn

Lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, TP Hà Nội, tư vấn đều đề xuất kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tới ga Sài Gòn, ga Hà Nội thuận tiện cho hành khách.

Vị trí đề xuất các ga trung tâm, ga đầu mối TP.HCM - Nguồn: Tư vấn TEDI South - CCTDI

Vị trí đề xuất các ga trung tâm, ga đầu mối TP.HCM - Nguồn: Tư vấn TEDI South - CCTDI

Nối đường sắt tốc độ cao vào ga Sài Gòn thay vì ga Thủ Thiêm

Đó là nội dung đáng chú ý trong báo cáo đầu kỳ lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, TP Hà Nội đang được Cục Đường sắt Việt Nam lấy ý kiến.

Báo cáo đầu kỳ lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM do liên danh tư vấn Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI South) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải (CCTDI) thực hiện.

Tư vấn cho biết quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 (quy hoạch 1769) đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm cuối tại ga Thủ Thiêm. Còn depot Long Trường cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cách ga Thủ Thiêm khoảng 10km.

Theo tư vấn, điểm cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là ga Thủ Thiêm thì tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ không kết nối, liên thông được với các tuyến khác trong mạng đường sắt khu đầu mối TP.HCM.

Để giải quyết ách tắc giao thông tại các cửa ngõ ra vào thành phố, các đầu mối giao thông phục vụ các đô thị cực lớn cần phải thiết kế các tuyến đường sắt chạy xuyên tâm.

Theo đề xuất của tư vấn, ga hành khách trung tâm trong khu đầu mối TP.HCM là ga Sài Gòn (Hòa Hưng) tổng diện tích dự kiến khoảng 6,85ha. Trong đó diện tích quảng trường ga 2,3ha bố trí ga metro, bến xe buýt, taxi, bãi đỗ phương tiện cá nhân...

Ga Sài Gòn có chức năng đón, tiễn cho hành khách lên xuống các đoàn tàu khách: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (khi tuyến đường sắt tốc độ cao nối vào trong khu vực đầu mối thông qua tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng hoặc tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu), tàu khách liên vận, tàu khách đường dài hoặc tàu khách vùng và đoàn tàu khách nội - ngoại ô đi các đô thị vệ tinh; kết nối và trung chuyển với tuyến đường sắt đô thị số 2.

Do quỹ đất ở trung tâm TP.HCM hạn chế nên tại ga khách trung tâm Sài Gòn chỉ cho hành khách lên, xuống. Tổ chức chạy tàu khách xuyên tâm theo hướng ga Bình Triệu - ga Sài Gòn - ga Tân Kiên theo kiểu "con lắc" (tàu đón, trả khách tại ga Sài Gòn rồi chạy về cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ở hai ga Bình Triệu, Tân Kiên).

Còn ga Bình Triệu là ga đầu mối hành khách phía bắc thành phố; ga Tân Kiên là ga đầu mối hành khách phía nam thành phố. Hai ga này có cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy toa xe.

Ga Thủ Thiêm không tổ chức cho hành khách đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà chỉ là ga đầu, cuối của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt đô thị.

Kết nối đường sắt tốc độ cao vào ga Hà Nội

Theo tư vấn quy hoạch mạng lưới đường sắt (quy hoạch 1769) đã xác định ga Ngọc Hồi là ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Còn đoạn đường sắt quốc gia từ Ngọc Hồi tới ga Hà Nội hiện nay sẽ được chuyển đổi thành đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, kinh nghiệm phát triển đường sắt trên thế giới cho thấy đối với tàu đường sắt cao tốc thường được bố trí tiếp cận sâu trong trung tâm tại các thành phố lớn như Berlin, Tokyo, Paris, Bắc Kinh…

Việc bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 10km sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu.

Loại hình đường sắt tốc độ cao sử dụng đường riêng, giao cắt khác mức, không xung đột với các loại hình giao thông đô thị nên không gặp phải các bất cập như hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay.

Trên cơ sở đó, tư vấn kiến nghị kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tới ga Hà Nội thay vì tới Ngọc Hồi.

Với kết quả nghiên cứu bước đầu, tư vấn đề xuất hệ thống ga đầu mối khu vực TP Hà Nội gồm:

Ga Hà Nội là ga phục vụ khách đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.

Ga đầu mối phía nam là ga Ngọc Hồi có xem xét điều chỉnh di dời depot Thường Tín;

Ga đầu mối phía đông là ga Lạc Đạo (tỉnh Hưng Yên); ga đầu mối phía bắc là ga Yên Viên (đầu mối vận tải hành khách), ga Yên Thường (đầu mối vận tải hàng hóa); ga Bắc Hồng (ga trung gian có dự trữ quỹ đất phát triển công nghiệp đường sắt).

Bổ sung các đoạn tuyến đường sắt cho TP.HCM

Để hoàn thiện hệ thống đường sắt, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, tư vấn đề xuất: nghiên cứu bổ sung tuyến nhánh từ đường sắt tốc độ cao về ga Trảng Bom theo đường vành đai 4; bổ sung nhánh nối từ đường sắt tốc độ cao (sau ga Long Thành) để nhập vào đi theo tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (cho phương án tàu khách tốc độ cao vào ga trung tâm Sài Gòn); bổ sung đoạn nối từ ga Sài Gòn đi Tân Kiên (cho phương án chạy tàu qua trung tâm TP.HCM từ ga Bình Triệu và ga Tân Kiên đi các hướng).

Xem xét bổ sung đoạn tuyến nối ra cảng Phước An; bổ sung tuyến đường sắt kết nối hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành (từ sân bay Tân Sơn Nhất đến nút giao Phú Hữu, giao với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành).

Có nên dời ga đường sắt quốc gia ra ngoại thành?Có nên dời ga đường sắt quốc gia ra ngoại thành?

TTO - Vấn đề này lại một lần nữa được xới lên khi mới đây cử tri Hà Nội chất vấn Bộ Giao thông vận tải về tiến độ đầu tư xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi trên địa bàn huyện Thanh Trì.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp