04/06/2020 09:41 GMT+7

Đề xuất kéo dài thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng

L.THANH
L.THANH

Đó là đề xuất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN (Agribank) nhằm tiếp tục chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đặc biệt, với một số ngành như du lịch, vận tải…, nên kéo dài thời gian hỗ trợ sang 2021.

Đề xuất kéo dài thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng - Ảnh 1.

Agribank đề xuất nên kéo dài thời gian giảm lãi suất cho vay, cơ cấu thời gian trả nợ cho khách hàng do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh: T.THỦY

Để tiếp tục chung tay với khách vay bị ảnh hưởng bởi đại dịch này, Ngân hàng nhà nước đang gấp rút hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng.

Nên kéo dài thời gian hỗ trợ cho ngành du lịch, khách sạn…

Góp ý cho dự thảo thông tư mới, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết Agribank đề nghị kéo dài thời gian cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất cho vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch này đến hết ngày 31-12 thay vì sau 3 tháng Việt Nam công bố hết dịch như quy định hiện hành.

Nhưng riêng với những ngành bị thiệt hại nặng nề do đại dịch như vận tải, du lịch, dịch vụ khách sạn, lưu trú…, Agribank kiến nghị cần kéo dài thời gian hỗ trợ sang năm 2021.

Ông Vượng cho rằng những ngành này hết sức khó khăn bởi doanh thu của năm nay chủ yếu chỉ phát sinh trong 2 tháng là 7 và 8 khi du lịch nội địa tăng trưởng trở lại. Còn lượng khách quốc tế thì hy vọng một vài tháng nữa nếu dịch bệnh được khống chế.

Ngành du lịch được dự báo phục hồi vào đầu năm sau. Nên khả năng từ quí 1 mới có doanh thu và từ đó có thể trả được nợ đến hạn và nợ phát sinh của quí đó. Còn nợ đang được cơ cấu trong năm 2020 thì rất khó khăn.

Với Agribank, đến nay, ngân hàng đã giải ngân gần 600.000 tỉ đồng để duy trì dòng tiền cho khách hàng. Agribank nhận nợ mới chứ không phải khách hàng mới, cho vay mới để nuôi nợ cũ.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay dư nợ bị thiệt hại do COVID-19, tính đến hết tháng 5 là 146.590 tỉ đồng.

Để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, Agribank đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng theo đúng hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước nêu tại  thông tư 01.

Tính đến nay, Agribank đã cơ cấu, miễn, giảm lãi và phí cho 39.738 tỉ đồng. Trong đó, cơ cấu lại nợ gốc tức là kéo dài thời gian trả nợ cho 34.809 tỉ đồng với 11.592 khách hàng. Mặt khác, ngân hàng còn hạ lãi suất cho hơn 50.000 khách hàng với số dư nợ được hạ lãi suất gần 40.000 tỉ đồng.

Agribank xác định trong bối cảnh khó khăn, giải pháp hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa và hiệu quả nhất  đối với khách hàng là giảm chi phí vay vốn. Do đó, Agribank giảm mạnh lãi suất cho vay.

Ước tính năm nay, Agribank sẽ giảm lợi nhuận khoảng 2.000 tỉ đồng để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ...

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank

Lợi nhuận 5 tháng đạt 5.100 tỉ đồng

Về kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm, bà Phượng cho biết lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 5.100 tỉ đồng, trong đó thu từ dịch vụ đạt 2.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận 5 tháng qua thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 1.400 tỉ đồng. 

Trong Báo cáo tài chính năm 2019 vừa được Agribank công bố, tổng tài sản đạt 1.452.000 tỉ đồng, tăng 11,3% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 14.116 tỉ đồng, tăng 92% so với năm liền kề trước đó. Đặc biệt, năm qua, Agribank nộp ngân sách đạt 6.300 tỉ đồng, tăng hơn 4.000 tỉ đồng so với năm 2018.

    

Nguyên nhân là dư nợ sụt mạnh do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Bình quân doanh số cho vay mỗi tháng giảm gần 11.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. "Rất mừng là dư nợ đến tháng 5 đang có xu hướng phục hồi sau mấy tháng giảm mạnh" - bà Phượng thông tin.

Ngoài việc dư nợ giảm mạnh, chính sách miễn, giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với khách hàng cũng khiến lợi nhuận của Agribank không thể đạt như mức cùng kỳ năm ngoái. 

Về định hướng lợi nhuận của Agribank trong năm nay, bà Phượng cho biết nếu như ngân hàng được nhà nước tăng vốn điều lệ thêm 3.500 tỉ đồng thì tín dụng sẽ tăng trưởng khoảng 9% và lợi nhuận sẽ đạt trên 12.000 tỉ đồng.

Còn nếu không có 3.500 tỉ đồng vốn điều lệ này thì tín dụng sẽ tăng chỉ 5%. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng phải giảm dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 60.000 tỉ đồng. Do đó, lợi nhuận năm nay của Agribank sẽ chỉ đạt được khoảng 11.000 tỉ đồng.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, Chính phủ đã thống nhất phương án trình Quốc hội xem xét thông qua việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước tăng vốn điều lệ cho Agribank. Mức tăng vốn tương ứng với lợi nhuận năm 2020 Agribank nộp ngân sách nhà nước tối đa 3.500 tỉ đồng.

Ngân hàng giảm lãi để chia khó với doanh nghiệp Ngân hàng giảm lãi để chia khó với doanh nghiệp

TTO - Chưa thể tổ chức đại hội cổ đông nhưng nhiều ngân hàng đã thông báo giảm chỉ tiêu lợi nhuận do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tình hình này trái ngược với những năm trước khi chỉ tiêu lợi nhuận của ngân hàng mỗi năm mỗi tăng.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp