19/11/2020 08:39 GMT+7

Đề xuất kéo dài hỗ trợ chung cho các hãng hàng không

C.TRUNG - T.PHÙNG
C.TRUNG - T.PHÙNG

TTO - Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các giải pháp hỗ trợ chung của Nhà nước đối với các hãng hàng không.

Đề xuất kéo dài hỗ trợ chung cho các hãng hàng không - Ảnh 1.

Chuyến bay đưa công dân từ Guinea Xích Đạo về nước dù thực hiện khó khăn, chi phí cao nhưng Vietnam Airlines vẫn đảm nhận để có doanh thu - Ảnh: NIA

Cùng bị ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19 như VNA, các hãng bay tư nhân Vietjet và Bamboo Airways cũng đang căng thẳng về dòng tiền, tự xoay xở đủ cách để duy trì hoạt động. 

VNA công bố lỗ hơn 10.000 tỉ đồng, Vietjet và Bamboo Airways cũng chịu khoản lỗ lần lượt từ 1.000 - 1.500 tỉ đồng.

Cần phải tách biệt rõ việc VNA đề xuất Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ cho hãng này là hãng kiến nghị chủ sở hữu nắm 86% vốn nhà nước tại VNA thực hiện trách nhiệm đối với hãng. Đây không phải là chính sách hỗ trợ chung cho tất cả các hãng hàng không.

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng

Xoay đủ cách để duy trì hoạt động

Để giảm lỗ liên tục trong thời gian dịch bệnh, các hãng bay phải xoay xở đủ cách, đặc biệt về quản lý dòng tiền để duy trì trạng thái tránh "mất máu" đột ngột.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương - phó tổng giám đốc Vietjet - cho biết tác động dịch COVID-19 đến với ngành hàng không rất lớn. Vietjet đã tìm mọi phương án để duy trì hoạt động. 

Nhằm gia tăng dòng tiền hỗ trợ hoạt động kinh doanh, hãng tích cực tìm kiếm các đối tác và đã thực hiện giải pháp chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư tài chính, tăng cường nguồn lực hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. 

Hãng tích cực thực hiện các chương trình tiết kiệm chi phí, mua trữ xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, giúp giảm chi phí 25% so với thị trường. 

Bên cạnh đó, Vietjet tích cực đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá dịch vụ cảng, sân bay, kỹ thuật và các dịch vụ khác từ 20 - 45% tùy nhà cung cấp... 

Các hãng bay cho biết ngành hàng không đang trong giai đoạn hồi phục, cần sự hỗ trợ nhanh chóng của Nhà nước về lãi suất vay để gia tăng dòng tiền hoạt động, vượt qua khó khăn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 18-11, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - cho rằng sẽ không tạo ra được môi trường kinh doanh bình đẳng nếu chỉ tháo gỡ khó khăn cho VNA mà không tính đến các hãng bay tư nhân khác trong kế hoạch giải cứu. 

"Tôi cho rằng nên cân nhắc một gói hỗ trợ chung, tùy vào tình hình kinh doanh cụ thể của hãng hàng không mà đưa ra các tiêu chí nhận hỗ trợ, phương án cụ thể tháo gỡ khó khăn cho từng hãng đó" - ông Thành nói.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ chung cho các hãng hàng không về thuế, phí, giá...

Theo ông Thắng, sau những kiến nghị của các hãng, Cục Hàng không, Bộ GTVT về giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến nay có nhiều giải pháp đã được thực hiện. 

Cụ thể, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã giảm 7 loại giá dịch vụ mà doanh nghiệp này cung ứng tại các sân bay cho các hãng hàng không. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay 30%, tức giảm từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít, áp dụng từ ngày 1-8 tới hết ngày 31-12-2020.

Chính phủ có nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 giảm 50% giá cất hạ cánh máy bay và giá điều hành bay với các chuyến bay nội địa. 

Đồng thời áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá theo đề nghị của Bộ GTVT từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020. 

Theo đó, Bộ GTVT ban hành thông tư quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam. 

Đặc biệt áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với 8 dịch vụ hàng không và 3 dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá: dịch vụ thuê sân đậu máy bay, thuê quầy làm thủ tục hành khách, tra nạp xăng dầu hàng không, dịch vụ mặt đất, thuê cầu dẫn khách lên xuống máy bay, cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách, cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa, dịch vụ cơ bản thiết yếu tại nhà ga hành khách.

Việc áp giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ nói trên để ACV và một số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không có cơ sở đàm phán hỗ trợ các hãng hàng không thuận tiện hơn so với quy định trước đó không có giá tối thiểu 0 đồng.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không, Bộ GTVT và Cục Hàng không đã không áp dụng việc tính slot (lượt cất, hạ cánh) lịch sử trong việc phân bổ slot cho các hãng hàng không Việt Nam tại các sân bay như quy định cũ. 

Đồng thời, đưa ra các quy định thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chở khách...

Ông Thắng cho biết do dịch COVID-19 vẫn kéo dài và diễn biến phức tạp nên Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước đối với các hãng hàng không như kéo dài thời gian giảm giá dịch vụ ngành hàng không, giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay...

Cổ phiếu Vietnam Airlines tăng sau tin được Cổ phiếu Vietnam Airlines tăng sau tin được 'giải cứu'

TTO - Cổ phiếu Vietnam Airlines và một số hoạt động doanh nghiệp trong mảng hàng không đang rục rịch tăng trở lại, nhận về hàng trăm tỉ vốn hóa trong ngày. Trên thị trường chứng khoán, khối ngoại trở lại mua ròng sau nhiều phiên bán ròng liên tiếp.

C.TRUNG - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp