Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cơ bản nhất trí với đề xuất về phạm vi, quy mô thực hiện chương trình. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, phạm vi của chương trình còn rộng, dàn trải.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị căn cứ điều kiện thực tiễn ở địa phương, kết quả đầu tư của ngân sách nhà nước ở các thời kỳ trước và khả năng bố trí nguồn lực, xác định các nhiệm vụ đầu tư trọng điểm, cấp bách để ưu tiên thực hiện trước.
Xây dựng nội dung tránh chồng chéo, trùng lặp
Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công là phân chia các dự án thành phần của chương trình theo quy định của pháp luật; dự kiến tổng mức vốn và cơ cấu nguồn lực thực hiện chương trình, bao gồm danh mục dự án. Tuy nhiên, chương trình đang xây dựng theo các nhóm nội dung thành phần, chưa có danh mục dự án.
Trên cơ sở các ý kiến, đa số thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thống nhất đề nghị chương trình cần thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công, xây dựng thành các dự án thành phần, quy định cụ thể mục tiêu, đối tượng, nội dung, cơ quan thực hiện, vốn và nguồn vốn, cơ quan chịu trách nhiệm, sản phẩm đầu ra của dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Để tránh chồng chéo, trùng lặp, bảo đảm tính khả thi, nên cần làm rõ và thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng.
Cụ thể, đây là chương trình nhằm thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách về phát triển văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ thường xuyên; các nội dung cần được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa.
Trong đó ưu tiên nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn và phát triển văn hóa, con người toàn diện; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để tạo nền tảng thu hút toàn xã hội tham gia; nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Trước đó, báo cáo tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết tổng các nguồn lực huy động cho giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%) và khoảng 15.000 tỉ đồng vốn huy động hợp pháp khác (12,4%).
Chương trình xây dựng 10 nội dung thành phần gồm phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa, bảo tồn và phát huy các di sản, thúc đẩy văn học nghệ thuật, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế về văn hóa và tăng cường giám sát…
Xin ý kiến về xây dựng trung tâm văn hóa ở nước ngoài
Cùng với các chương trình phát triển văn hóa, đối tượng phạm vi của chương trình dự kiến sẽ dành nguồn lực để đầu tư xây dựng và hoạt động của các trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia.
Tuy nhiên, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định của Luật Đầu tư công, nên Chính phủ xin ý kiến Quốc hội một số nhiệm vụ đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa tại nước ngoài.
Ủy ban cho rằng việc nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là cần thiết, phù hợp với chủ trương.
Các ý kiến thống nhất với kiến nghị của Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và nguồn lực bảo đảm thực hiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Trường hợp cần thiết cần sử dụng nguồn vốn khác ngoài chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án theo quy định của đầu tư công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận