Sinh viên thực tập được nhân viên trạm y tế hướng dẫn thăm khám, phát thuốc cho bệnh nhân F0 - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Sở Y tế TP.HCM vừa có dự thảo tờ trình nghị quyết về các cơ chế chính sách đặc thù gửi UBND TP.HCM nhằm củng cố, nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Làm việc 16 - 18 giờ/ngày, không có ngày nghỉ
Đây là tờ trình mới nhất, được hoàn chỉnh dựa trên sự tiếp thu ý kiến từ nhiều bộ, cơ quan, ban ngành của TP.HCM. Dự thảo áp dụng cho 4 nhóm đối tượng, bao gồm bác sĩ - điều dưỡng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, viên chức ngành y tế nghỉ hưu, nhân viên vệ sinh - bảo vệ và viên chức làm việc tại trạm y tế hoặc luân phiên... khi tham gia chương trình thí điểm thực hành tại các trạm y tế.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc thu hút và tuyển dụng nhân sự cho trạm y tế hiện nay rất khó khăn do khối lượng công việc nhiều, chế độ chính sách chưa thu hút và giữ chân được nhân lực có chuyên môn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Đồng thời, năm 2021 số lượng nhân viên y tế làm việc tại trung tâm y tế nghỉ việc rất nhiều, với 120 viên chức, trong đó tại trạm y tế 58 viên chức.
Đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên y tế tại trạm y tế tăng lên gấp nhiều lần.
Cụ thể trước kia nhân viên trạm y tế chỉ làm 8 giờ/ngày, được nghỉ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ thì nay họ phải làm mỗi ngày 16 - 18 giờ, không có ngày nghỉ, ngày lễ. Trong khi đó, mức thu nhập vẫn giữ nguyên. Do đó, cần có giải pháp tăng thu nhập chính đáng để nhân viên tại trạm y tế an tâm công tác.
Hỗ trợ cao nhất 60 triệu đồng
Đội ngũ nhân viên y tế thăm khám cho những trường hợp F0 đang điều trị tại nhà trên địa bàn phường 7, quận Phú Nhuận chiều 18-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cụ thể, với bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đăng ký và tham gia chương trình thí điểm được hỗ trợ mức 60 triệu đồng, chia 3 đợt, mỗi đợt 20 triệu đồng sau khi tham gia đủ 6 tháng, tối đa không quá 18 tháng.
Với gói hỗ trợ sinh hoạt phí 60 triệu đồng/18 tháng, bình quân mỗi tháng 3,33 triệu đồng, xấp xỉ mức chi tiêu bình quân của các hộ gia đình thành thị (3,8 triệu đồng/người/tháng), theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê.
Điều dưỡng, hộ sinh chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tham gia thực hành tại trạm y tế có mức hỗ trợ 30 triệu đồng, chia 2 đợt, mỗi đợt được hỗ trợ 15 triệu đồng khi tham gia đủ 5 tháng. Đợt 2 được hỗ trợ 15 triệu đồng sau khi tham gia đủ 4 tháng còn lại, tối đa không quá 9 tháng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, dự kiến hằng năm có thể thu hút 500 bác sĩ và 100 điều dưỡng, hộ sinh tham gia chương trình này, với dự toán tổng kinh phí gói hỗ trợ sinh hoạt phí là 33 tỉ đồng. Điều kiện ràng buộc đối với các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh là phải tham gia chương trình toàn thời gian, không có nguồn thu nhập khác để trang trải chi phí sinh hoạt như đi lại, ăn uống, chỗ ở.
Sở Y tế TP.HCM cho hay sau khi HĐND TP.HCM thông qua chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh chưa có chứng chỉ hành nghề tham gia chương trình, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm hoàn chỉnh chương trình thí điểm thực hành bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế đối với bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở tính thời gian thực hành và cấp chứng chỉ hành nghề cho các đối tượng trên.
Đề xuất điều chỉnh tăng thu nhập tối đa 1,8 lần so với tiền lương
Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM đề xuất HĐND TP quyết định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù đối với viên chức tại trạm y tế mức tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ đến hết thời gian thí điểm theo nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM.
Tính đến 31-10-2021, số nhân viên y tế tại trạm y tế hưởng lương của đơn vị là 620 người, mỗi trạm gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... từ các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận