08/12/2023 19:26 GMT+7

Đề xuất hạ giá mua điện đối với loạt dự án năng lượng tái tạo

Công ty Mua bán điện đã đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông qua phương án tạm thanh toán cho các nhà máy điện đã hòa lưới trước đây với mức giá trần của khung giá phát điện, tức hạ giá mua điện.

Công ty Mua bán điện đã đề xuất tạm thời hạ giá mua điện đối với loạt dự án năng lượng tái tạo - Ảnh: NGỌC HIỂN

Công ty Mua bán điện đã đề xuất tạm thời hạ giá mua điện đối với loạt dự án năng lượng tái tạo - Ảnh: NGỌC HIỂN

Hàng loạt nhà máy ảnh hưởng

Ngày 8-12, Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có đề xuất văn bản gửi EVN liên quan đến các nhà máy điện gió và mặt trời có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày công nhận vận hành thương mại (COD) và trong thời hạn giá FIT (giá mua bán điện cố định).

Cụ thể, Công ty Mua bán điện đã rà soát các nhà máy điện gió và mặt trời đang được thanh toán theo giá FIT nhưng có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cấp thẩm quyền sau ngày vận hành thương mại và vẫn trong giai đoạn giá FIT còn hiệu lực. 

Đối với các nhà máy điện này, Công ty Mua bán điện rà soát có 15 nhà máy điện/phần nhà máy điện mặt trời đang được thanh toán theo giá FIT1 (giá điện theo quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ với 9,35 cent/kWh, hơn 2.300 đồng/kWh - PV) có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày vận hành thương mại đến ngày 30-6-2019 (hết hạn giá FIT1).

Có 2 nhà máy điện/phần nhà máy mặt trời đang được thanh toán theo giá FIT2 (giá điện theo quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ với giá 7,09 cent/kWh, hơn 1.700 đồng/kWh - PV) có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trong giai đoạn từ sau ngày COD đến ngày 31-12-2020 (hết hạn giá FIT2).

Có 11 nhà máy điện/một phần nhà máy điện gió được thanh toán theo giá FIT (quy định tại quyết định số 37 và quyết định số 39) có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trong giai đoạn từ ngày COD đến ngày 31-10-2021 (hết hạn giá FIT).

Trong thời gian chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến các dự án trên, Công ty Mua bán điện đề xuất EVN thông qua phương án tạm thanh toán cho các nhà máy điện này với giá bằng giá trần của khung giá phát điện theo quyết định số 21 của Bộ Công Thương. Việc thanh toán này áp dụng kể từ kỳ thanh toán tiền điện gần nhất.

Nhà đầu tư lo lắng

Theo quyết định số 21, các dự án điện mặt trời mặt đất sẽ có khung giá bán điện cao nhất đối với điện mặt trời mặt đất là hơn 1.184 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là hơn 1.508 đồng/kWh, điện gió đất liền là hơn 1.587 đồng/kWh, điện gió trên biển là hơn 1.815 đồng/kWh. Mức giá này thấp hơn so với giá mua bán điện mà các nhà máy năng lượng tái tạo đang bán theo các quyết định cũ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 8-12, một số đại diện nhà đầu tư năng lượng cho biết nếu đề xuất này được chấp thuận, các doanh nghiệp năng lượng sẽ "rất sốc" và có tác động lớn đối với thị trường năng lượng tái tạo.

Thực tế, các nhà đầu tư đã ký hợp đồng mua bán điện trước đây với khung giá theo quy định cũ kèm theo các điều kiện pháp lý, do đó nhiều khả năng sẽ xảy ra kiện tụng, tác động không chỉ nhà đầu tư hiện tại mà còn tác động đến niềm tin của các nhà đầu tư mới.

Trước đó, giám đốc của Công ty Mua bán điện cùng loạt cán bộ của công ty này, cán bộ của EVN và loạt cán bộ của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã bị cơ quan an ninh khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Số phận hơn 1.000 công trình điện mặt trời mái nhà chưa được định đoạtSố phận hơn 1.000 công trình điện mặt trời mái nhà chưa được định đoạt

Khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt trên cả nước sau 2020, song số phận của các dự án này vẫn chưa được định đoạt khi việc giải quyết mới chỉ dừng lại ở đề xuất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp