Du lịch Việt Nam đang lâm vào tình trạng "ngủ đông" vì ảnh hưởng dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách tài chính hỗ trợ để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Gói tài chính bổ sung sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành "phiếu mua tour" có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng nhưng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.
Ngoài ra, chính sách tài chính này cũng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Với người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, bộ đề nghị đưa vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ giúp người dân gặp khó khăn chống dịch COVID-19 vừa được chính phủ thông qua.
Các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch và người lao động cần được hỗ trợ miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa cũng như thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020.
Với chương trình xúc tiến du lịch, doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia mà không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào như chi phí thị thực, vé máy bay cho một cán bộ/1 doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình.
Đáng chú ý, bộ cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh.
Để doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi, bộ đề xuất cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021, tăng mức hỗ trợ thất nghiệp...
Đề xuất của Bộ Văn hoá - thể thao và du lịch cũng đưa ra một số giải pháp đối với các kịch bản khống chế dịch bệnh COVID-19 và phương hướng phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam, trong đó đề nghị Chính phủ có các gói kích cầu tiêu dùng, trong đó có kích cầu người tiêu dùng trong nước sử dụng dịch vụ du lịch.
Trường hợp Việt Nam và một số nước công bố hết dịch, dự kiến các nước trong khu vực châu Á có khả năng hết dịch sớm hơn, ngành du lịch sẽ cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế, tập trung quảng bá khách đến và đi du lịch các thị trường đã hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE.
Trong hoàn cảnh đó, kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam liên quan đến miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận