Tại dự Luật Nhà giáo mới nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (cơ quan soạn thảo) đã thiết kế 10 chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo với nhiều ưu đãi.
Trong đó đề xuất nhiều chính sách mới về tiền lương, đãi ngộ với giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập.
Lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng, theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp 38 cũng đã bổ sung đánh giá tác động chính sách, dự kiến nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc thi hành luật sau khi được thông qua.
Báo cáo đánh giá quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Theo số liệu báo cáo, tính đến tháng 5-2024 của địa phương, số giáo viên tuyển dụng trong năm học 2023-2024 là 19.474 người.
Trong đó mầm non 5.592 người, tiểu học 7.737 người, THCS 4.609 người, THPT 1.536 người.
Nếu được thực hiện chính sách xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, thì ngân sách nhà nước cần bổ sung thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 22 tỉ đồng/tháng, tức là hằng năm ngân sách cần bổ sung 264 tỉ đồng.
Bên cạnh đó dự thảo luật cũng đề xuất nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.
Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục quyết định, bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương quy định nêu trên, trừ khi có thỏa thuận khác.
Báo cáo của Chính phủ cho biết chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ vào khoảng 1.068 tỉ đồng/tháng, tức là hằng năm ngân sách cần bổ sung 12.816 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận