TS. Ngô Đức Lâm phân tích công thức giá bán lẻ điện bình quân - Ảnh: N.AN
Sáng 28-7, tọa đàm "Giá điện sinh hoạt, bao nhiêu bậc thì là hợp lý và minh bạch?" do GreenID và Liên minh Năng lượng bền vững tổ chức.
TS. Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, cho rằng từ năm 2012 Luật Điện lực sửa đổi đã định hướng cho ngành điện thực hiện theo cơ chế thị trường, song đến nay về bản chất thị trường điện cạnh tranh chưa hoàn thiện đúng nghĩa theo các bước gồm phát điện, bán buôn và bán lẻ cạnh tranh.
Hiện giá điện đang được xác định dựa trên bán lẻ điện bình quân đang được xác định dựa trên Quyết định 24/2017 của Thủ tướng. Mức giá này bao gồm đầy đủ các chi phí đầu vào như phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành… nhằm đảm bảo ngành điện có lãi để tái đầu tư, thực hiện phúc lợi xã hội và hoạt động ổn định, lâu dài.
Tuy nhiên, trên thực tế là dù đã nhiều lần sửa đổi biếu giá bán lẻ điện sinh hoạt (luỹ tiến), song vẫn không thỏa mãn cho người dân. Nguyên nhân là do cách tính giá bán lẻ điện bình quân, khi các cơ quan chức năng chỉ công bố tổng doanh thu và chi phí ngành nhưng không công bố tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc.
"Thực tế là biểu giá sinh hoạt luỹ tiến từ trước đến nay chỉ có lên không khi nào xuống, chưa thể hiện rõ sự minh bạch, chưa tuân thủ nguyên tắc là tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc phải cân bằng với tổng doanh thu của giá điện bình quân" - ông Lâm nói.
Điều này có nghĩa là, theo ông Lâm, tổng doanh thu điện sinh hoạt mà ngành điện có được khi chia cho tổng số kWh điện sử dụng, phải bằng mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân đã được phê duyệt, trong khi trên thực tế, từ bậc 3 trở lên người tiêu dùng phải chịu mức giá lớn hơn giá bình quân, nên nếu tiêu thụ điện càng nhiều thì doanh thu của ngành điện sẽ tăng lên.
Với quan điểm này, vị chuyên gia đề nghị cần áp dụng một mức giá bằng với mức giá bán lẻ điện bình quân đã được phê duyệt. Hoặc có thể áp dụng phương án ba bậc thang, gồm nhóm bậc thấp cần có trợ giá, nhóm bằng giá bình quân và nhóm bậc cao để điều hòa giá thay vì 2 phương án đề xuất như hiện nay của Bộ Công thương.
Bà Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng điện là nhu cầu thiết yếu ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, do đó Chính phủ cần minh bạch giá đầu vào, công khai từng thông số tính giá bình quân.
"Với mức giá bình quân để đảm bảo ngành điện có lãi rồi tại sao vẫn có biểu giá để thu thêm trên giá bình quân?"- bà đặt câu hỏi.
Đồng thời, bà yêu cầu cần sớm đẩy nhanh lộ trình thị trường điện cạnh tranh, giảm bớt thế độc quyền, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng của Bộ Chính trị về giá điện theo thị trường, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.
Đồng tình, ông Lâm đề nghị cần soát xét lại toàn bộ giá điện, đảm bảo công khai, minh bạch, xem xét lại toàn bộ tính hợp lý của các chi phí đầu vào khi tính giá cho tất cả các thành phần và giá thành sản xuất, tính toán đầy đủ các yếu tố ngoại lai và hoàn thành thị trường điện, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp phát điện, cạnh tranh đầy đủ, xoá bỏ độc quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận