Phóng to |
Nhà bia mới dựng trên cửa hầm đường sắt số 9 ở đèo Hải Vân, cạnh quốc lộ 1A, là vị trí đắc địa khi nhìn về “vịnh đẹp thế giới Lăng Cô”Ảnh: đoàn cường |
Ông Nguyễn Văn Thắng, chánh thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) Thừa Thiên - Huế, đã lập biên bản đình chỉ tất cả mọi hoạt động xây dựng tại khu vực Hòn Rùa. Biên bản này còn yêu cầu UBND thị trấn Lăng Cô không được tổ chức lễ khánh thành việc dựng bia và nhà bia mới, đồng thời phải cung cấp tất cả những gì liên quan đến nội dung bia cũ để chờ có hướng giải quyết tiếp theo.
Trước đó, ngày 18-7, Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế đã có văn bản đề nghị UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo UBND thị trấn Lăng Cô “không dựng bia đá, rùa đá mới vào nhà bia” để chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Tuy nhiên trên thực tế, bia đá mới lẫn con rùa mới đã được dựng ngay tại vị trí bia cũ kể từ đầu tháng 6-2011 (!?).
Lần lại sự việc trước đó, ngày 7-5, thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh đã có buổi thực địa hiện trường và lập biên bản đình chỉ việc xây nền móng nhà bia. Biên bản này ghi rõ: “Đây là công trình (bia đá và rùa đá) có giá trị về văn hóa, lịch sử nhất định. Chúng tôi đề nghị Đảng bộ và chính quyền thị trấn Lăng Cô tạm ngừng thi công công trình để báo cáo với các cơ quan chức năng quản lý về văn hóa - di tích theo quy định...”.
Phớt lờ nội dung trên, đến ngày 12-5, UBND thị trấn Lăng Cô có tờ trình gửi Sở VH-TT&DL và các ngành chức năng đề nghị “hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ và cho phép UBND thị trấn Lăng Cô trùng tu, khôi phục lại bia cụ rùa”. Đồng thời tiếp tục cho thi công nhà bia, dựng bia đá mới (với chất liệu, hình thức và nội dung hoàn toàn khác bia cũ như Tuổi Trẻ đã phản ánh) và một số công trình liên quan tại khu vực Hòn Rùa.
Trả lời PV Tuổi Trẻ việc vì sao dựng bia mới với nội dung và hình thức hoàn toàn khác bia cũ lại không xin phép, ông Trần Văn Giảng, chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, nói: “Làm mà không xin phép mình biết sai. Việc dựng bia này cũng tự phát. Anh em tui nghĩ nếu mình xin phép cái này chưa chắc (cơ quan chức năng) có cho hay không. Trước đây chưa ai công nhận và quản lý tấm bia này!”.
Vấn đề đặt ra hiện nay chính là nên làm gì với rùa cũ (về cơ bản còn giữ nguyên hình hài) và bia cũ (còn một số mảnh vỡ có khắc chữ Hán và chữ Pháp), và có nên đập bỏ bia mới lẫn nhà bia? Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ đề xuất lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho dẹp bỏ tấm bia mới. Riêng rùa cũ sẽ đặt tại nhà bia vừa xây dựng (sắp hoàn thành). Còn ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, khẳng định: “Không chấp nhận tấm bia mới cả ở nội dung và hình thức”. Ông Dũng cho biết phương án xử lý của sở theo hướng “tôn trọng những giá trị cũ và bảo vệ nguyên trạng”.
Theo đó sẽ dựa vào việc thu thập tất cả những mảnh vỡ của bia cũ, xem xét tất cả nội dung, nếu thấy cần thiết thì đề xuất UBND tỉnh cho phục chế bia cũ theo đúng nguyên trạng. Nếu thấy chưa đủ cơ sở thì dừng lại để sau này tìm hướng phục hồi tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận