20/01/2015 11:15 GMT+7

​Đề xuất để dân bầu trực tiếp chủ tịch phường

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng nếu thiết kế quy định “dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND phường để dân giám sát trực tiếp” thì chắc là sẽ nhận được sự đồng tình của Trung ương Đảng và Quốc hội.

Dân bầu, dân giám sát

Sáng nay (20-1), trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định nếu đề xuất trên đây được chấp thuận, đó sẽ là một trong những nội dung mang tính đột phá của dự luật này.

Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ: “Nơi có cấp chính quyền, tức là có đủ HĐND và UBND thì HĐND bầu, nhưng nơi không có HĐND thì nên để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND, như vậy sẽ đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của người dân”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây các cấp có trách nhiệm đã từng chuẩn bị đề án thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã tại 500 xã, nhưng đến nay đề án vẫn chưa được thực hiện.

Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương nay đưa ra phương án không tổ chức HĐND đối với đơn vị hành chính phường. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước ủng hộ phương án này vì cho rằng ở cấp phường - xã chỉ tổ chức thực hiện, trong khi cần giám sát nhất là đối với cấp ra quyết định tức là cấp quận - huyện trở lên. “Tôi đề nghị HĐND nên có ở cấp quận - huyện thôi. Để nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch phường, xã. Như vậy thì vẫn đảm bảo nguyên tắc nhân dân bầu và quyền lực vẫn bị giám sát. Tôi cho rằng tăng số lượng đại biểu HĐND tỉnh, huyện lên thì sẽ giám sát được cấp dưới” - ông Phước nói.

Bỏ hay giữ HĐND phường?

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nghĩ khác: “Tôi lại đồng tình phương án ở đâu có chính quyền thì ở đó phải có cả HĐND và UBND. Cấp phường hiện nay quản lý rất nhiều, gắn chặt với đời sống người dân địa phương. Không có lý do gì để nói rằng một nơi chính quyền làm nhiều việc như vậy, gắn với quyền lợi, nghĩa vụ của người dân như vậy lại không có cơ quan giám sát”.

Quan điểm của ông Hiển được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện ủng hộ: “Quyền lực ở phường, quận cũng không khác gì ở huyện, xã, vậy tại sao một nơi thì có HĐND mà nơi khác lại không có. Nói như anh Hiển thì hoạt động kinh tế - xã hội ở phường còn quan trọng, phức tạp hơn ở xã. Tôi nghĩ đừng làm vấn đề rối lên, cứ thử đưa ra lấy ý kiến nhân dân xem có được sự đồng thuận không”.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết: Ở Nhật Bản, sau năm năm bỏ HĐND cấp huyện thì họ bỏ luôn UBND cấp ấy (năm 1921 Nhật Bản bỏ thiết chế HĐND cấp huyện và đến năm 1926 họ bỏ UBND cấp này, hiện nay Nhật Bản tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, cấp tỉnh và cấp cơ sở - NV).

“Ở đâu có quyền lực hành chính thì phải có cơ quan đại diện của nhân dân, nó giống như “cặp đôi hoàn hảo” vậy. Chúng ta nhận xét rằng HĐND hiện nay hiệu lực, hiệu quả không cao thì phải nghiên cứu xem quy định về thẩm quyền, hoạt động thế nào mà hệ quả như vậy” - bà Mai nêu vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ban soạn thảo phải làm rõ về mặt lý luận, phân biệt giữa chính quyền và cấp chính quyền. Hiện nay chúng ta đang tổ chức chính quyền địa phương theo ba cấp (tỉnh, huyện, xã), nếu nhận thấy TP chỉ cần tổ chức chính quyền một cấp thì chỉ có HĐND TP, còn ở dưới quận, phường tổ chức bộ máy chính quyền chứ không phải là các cấp chính quyền riêng.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp