16/08/2021 18:13 GMT+7

Đề xuất cứu lúa gạo miền Tây bằng 'luồng xanh' đường thủy

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH - BỬU ĐẤU
TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH - BỬU ĐẤU

TTO - Ngày 16-8, Bộ Công thương có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Đề xuất cứu lúa gạo miền Tây bằng luồng xanh đường thủy - Ảnh 1.

Các biện pháp giãn cách ở các địa phương khiến cho việc thu hoạch, mua bán, vận chuyển và xuất khẩu lúa gạo gặp nhiều khó khăn - Ảnh: TRẦN MẠNH

Với đặc thù địa hình kênh rạch chằng chịt, phần lớn các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo cập bờ sông/bờ kênh, thóc, gạo sản xuất ở vùng ĐBSCL được vận chuyển 95% bằng đường thủy. Do đó, việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương liên quan sớm xây dựng và báo cáo phương án “luồng xanh” cho vận tải đường thủy, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19, giải tỏa được ách tắc hiện nay.

UBND các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL khẩn trương chỉ đạo các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực thóc, gạo nói chung và thương lái nói riêng được đi lại thu mua trực tiếp tại đồng. 

Đề xuất cứu lúa gạo miền Tây bằng luồng xanh đường thủy - Ảnh 2.

95% lúa gạo ở ĐBSCL vận chuyển bằng đường thủy, việc mở "luồng xanh" đường thủy sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho lưu thông lúa gạo của vùng và xuất khẩu - Ảnh: TRẦN MẠNH

Bộ Công thương trao đổi và thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải xem xét, áp dụng linh hoạt các phương án:

Phương án 1: Chấp nhận các xét nghiệm nhanh tại ấp/xã, đăng ký thông tin, lịch trình di chuyển với cơ quan quản lý nhà nước tại ấp/xã và áp dụng tương tự đối với lực lượng bốc xếp thóc xuống/lên ghe. Đặc biệt xem xét ưu tiên phân luồng xanh (xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm dịch trên sông) cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ đồng ruộng về hệ thống nhà máy sấy vệ tinh trong khu vực gần nhất (cùng xã/huyện) để đảm bảo chất lượng thóc tồn trữ đạt yêu cầu. 

Phương án 2: Trường hợp thương nhân đồng ý hỗ trợ cung cấp các bộ kit xét nghiệm nhanh cho các chốt trên sông, khi ghe/sà lan của các thương nhân di chuyển qua, đề nghị nhân viên chịu trách nhiệm trực chốt tiến hành xét nghiệm nhanh và đóng dấu thông hành cho các phương tiện tranh thủ di chuyển tiếp. 

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ về lãi suất cho các doanh nghiệp; và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 12-8, vụ hè thu tại các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được 780.000ha với năng suất khoảng 5,8 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 4,524 triệu tấn. Dự kiến thu hoạch rộ trong tháng 8 và dứt điểm khoảng vào giữa tháng 9-2021.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 3,492 triệu tấn, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,0 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỉ USD.

Việc áp dụng chỉ thị 16 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu. 

Những khó khăn trên đã làm cho tình hình tiêu thụ lúa hè thu 2021 ở các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn và bị đình trệ trong việc thu hoạch, xử lý sau thu hoạch. Nguy cơ chất lượng gạo sụt giảm mạnh là hoàn toàn thực tế và việc không thể tiêu thụ lúa tươi tại ruộng dẫn đến giá lúa gạo nội địa khu vực ĐBSCL giảm liên tục trong nhiều tuần qua. Giá bình quân lúa tươi loại thường tại ruộng từ ngày 1-5 là 6.200 đồng/kg, ngày 1-6 là 5.800 đồng/kg, ngày 1-7 là 5.200 đồng/kg và đến ngày 5-8 giảm xuống chỉ còn 4.700 đồng/kg. 

Không bán được lúa tươi, lại không thể trữ trong dân do điều kiện thời tiết đang mưa nhiều cùng với giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh trong thời gian qua là những nguyên nhân chính gây tâm lý không thuận trong nông dân và làm dấy lên lo ngại về khả năng người trồng lúa sẽ bỏ ruộng hoặc chậm xuống giống lúa vụ 3, tác động xấu đến các vụ mùa sau và trên hết là đưa đến nguy cơ thiếu hụt lương thực lúc giáp hạt vụ đông xuân 2021/2022 - thời điểm cận tết.

Quân khu 9 hỗ trợ người dân An Giang thu hoạch, vận chuyển nông sản - Ảnh 1.

Đại diện UBND tỉnh An Giang và Quân khu 9 đã ký kết kế hoạch phối hợp thu hoạch và vận chuyển nông sản giúp dân - Ảnh: AN BÌNH

Quân khu 9 hỗ trợ người dân An Giang thu hoạch, vận chuyển nông sản

Chiều 16-8, UBND tỉnh An Giang và Bộ tư lệnh Quân khu 9 tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp hỗ trợ nhân dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang phối hợp Bộ tư lệnh Quân khu 9 căn cứ kế hoạch sản xuất và nhu cầu thu hoạch nông - thủy sản trên địa bàn tỉnh có kế hoạch tổ chức giúp nhân dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản theo tinh thần chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp với các sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Sở Công thương sẵn sàng vận chuyển nông - thủy sản giúp doanh nghiệp và hợp tác xã vận chuyển đi tiêu thụ cho nhân dân.

Hai bên cùng xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức, hỗ trợ, hợp tác trong công tác phòng chống cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai dịch bệnh và hỗ trợ khẩn cấp khi có tình huống.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm đầu mối của UBND tỉnh An Giang và giao Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang làm đầu mối của Bộ tư lệnh Quân khu 9 để tham mưu tổ chức triển khai kế hoạch phối hợp.

Hai đại diện đầu mối xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể theo nhu cầu đề xuất của địa phương. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết Quân khu 9 đang có sẵn 70 xe, tải trọng 7 tấn đến 8 tấn/xe, sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh vận chuyển nông sản.

"Quân khu 9 sẽ hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển nông sản giúp dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay để khắc phục việc vận chuyển khó khăn. Lực lượng quân đội đã được tiêm vắc xin, các tài xế được quán triệt ăn uống, nghỉ ngơi luôn trên xe trong suốt quá trình di chuyển, dừng lên, xuống hàng hóa nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19", ông Thư nói.

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp