Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị sớm sửa đổi Luật đất đai - Ảnh: Quochoi.gov.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng dự án Luật đất đai (sửa đổi) bị đưa ra khỏi chương trình "do chưa có sự chuẩn bị kịp thời" là việc cần đánh giá trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Hai kỳ họp gần đây dự luật này đều bị rút.
Thực tế, theo đại biểu Kim Bé, quản lý đất đai thời gian qua có quá nhiều vướng mắc do quy định chung chung, chưa rõ ràng. Một số vấn đề phát sinh mới về quản lý đất đai chưa được điều chỉnh kịp thời, còn chồng chéo, phải dẫn chiếu quá nhiều quy định của các luật khác, dẫn đến khó hiểu, khó áp dụng.
Nhiều bất cập trong Luật đất đai cần sớm sửa đổi
Trong khi đó, những vấn đề bức xúc của người dân dẫn đến khiếu kiện có tới gần 70% xuất phát từ đất đai. Cử tri và chính quyền địa phương mong mỏi có một đạo luật phù hợp, thực sự rõ ràng, do đó dự án luật này cần được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhìn nhận từ thực tiễn nhiều hoạt động đầu tư của nước ngoài lợi dụng để nắm những vị trí đất quan trọng, cho rằng luật pháp đang có chỗ trống, điểm sơ hở.
Dẫn chứng từ báo cáo của Bộ Quốc phòng về tình hình người nước ngoài núp bóng mua đất ở những khu vực nhạy cảm, ông Nghĩa nhắc lại chuyện đã chất vấn bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường và Bộ Công an nhưng "chưa thấy gì". Đại biểu TP.HCM đề nghị có bộ lọc các nhà đầu tư.
"Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đưa vào Luật đầu tư, là đầu tư trực tiếp, nhưng với đầu tư gián tiếp còn rất lỏng lẻo. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi chúng tôi tiếp xúc, có người nói không đi vào đầu tư trực tiếp vì phức tạp, nhất là đất đai. Như vậy nếu họ mua vốn kiểm soát thì có thể gián tiếp trở thành chủ và chi phối dự án, doanh nghiệp", đại biểu Nghĩa cảnh bảo.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (đại biểu Thái Bình) cũng chỉ ra: "Công trình dự án nào đều có nhu cầu tiếp cận đất đai nhưng đây đang là trở ngại khó khăn hàng đầu nên sửa nhanh Luật đất đai phải là trọng tâm hàng đầu chứ không lùi lại, mặc dù rất nhạy cảm và khó khăn".
Ông Lộc nêu thêm là VCCI đã rà soát pháp luật về đất đai và xây dựng, chỉ ra ít nhất 25 điểm chồng chéo và bất hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) - Ảnh: Quochoi.vn
Nên có luật bảo vệ người làm việc tốt
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) thì đề xuất Quốc hội nghiên cứu ban hành một đạo luật mới là Luật bảo vệ người làm việc tốt.
"Xã hội được điều chỉnh bởi nhiều hành vi mà nhiều nhất là hành vi pháp luật và hành vi đạo đức. Xã hội ngày càng phát triển, quy định của pháp luật cũng ngày càng bao quát nên hành vi đạo đức dần bị thu hẹp. Dẫn tới nhiều việc chúng ta thấy người ngoài xã hội vô cảm trước những khó khăn, nguy hiểm.
Một phần trong số đó là có những người không tốt, còn lại là do có tâm lý ngại phiền hà, trách nhiệm về mặt pháp lý, lo ngại làm ơn mắc oán, vì hành động của họ có rủi ro mà không được pháp luật bảo vệ", đại biểu Cảnh lập luận.
Theo ông Cảnh, nếu pháp luật chỉ quy định làm việc tốt là nghĩa vụ thì sẽ bị hạn chế vì thường con người mong muốn làm việc tốt một cách tự nguyện. Vì vậy, để phát triển hành vi đạo đức trong xã hội, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ những người làm việc tốt khỏi những trách nhiệm về hành vi phạm tội, tránh các phiền hà về thủ tục pháp lý, tránh bị tổn thương về thể xác và tinh thần.
"Miễn là người đó hành động hợp lý, thiện chí và làm mà không đòi hỏi trả công và cũng cấm lợi dụng làm việc tốt để vi phạm pháp luật", đại biểu Bình Định nói.
Tiếp tục đề cập Luật về Hội và Luật biểu tình, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhắc lại "khi thông qua Hiến pháp năm 2013 đều nói sẽ làm rất nhanh nhưng cứ làm mãi, thậm chí đã thảo luận, chờ thông qua rồi nhưng lại vẫn để lại".
"Cũng có cử tri băn khoăn đưa Luật biểu tình có lợi hay không có lợi, đó là nhu cầu cần phải quan tâm… Mong cơ quan xây dựng pháp luật, chia sẻ với đại biểu Quốc hội, không phải tờ trình 'xin gác lại', mà nêu rõ lý do để đại biểu chia sẻ và đồng thuận", ông Quốc trao đổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận