Khí hậu biến đổi ngày càng khắc nghiệt. Trong ảnh là tình trạng biển xâm thực ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách.
Đây cũng là bước đi dài để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tại COP26, Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế… để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải khí mêtan 30% vào năm 2030.
Để thực hiện các cam kết trên, bộ đã và đang đề xuất với Chính phủ sớm ban hành một loạt văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở triển khai.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: ĐỨC TRONG
Nhiều đại biểu tham gia diễn đàn cho rằng những cam kết trên là vô cùng khó khăn, thách thức lớn nhưng phải thực hiện cho bằng được.
Góp ý tại diễn đàn, ông Lưu Bình Nhưỡng - phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng cần phải xác định rõ phát triển xanh là gì, tiêu chí, tiêu chuẩn… Theo ông, hiện nay chưa có đạo luật nào xác định rõ các tiêu chí này. Vì vậy các nhà làm chính sách phải cụ thể hóa, luật hóa.
Ông Nhưỡng góp ý thêm: "Cụ thể hóa bằng cách tăng cường trồng cây xanh, hưởng ứng mạnh mẽ chương trình 1 tỉ cây xanh. Các doanh nghiệp phải tham gia và ủng hộ mạnh mẽ chương trình 1 tỉ cây xanh. Người dân thực hiện bằng cách phân loại rác tại nguồn…".
Ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tại diễn đàn, ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đề xuất cần thành lập câu lạc bộ báo chí về phát triển xanh.
Theo ông Trung, việc lập câu lạc bộ như trên sẽ tập hợp được đội ngũ nhà báo, các cơ quan báo chí - truyền thông… thành một tập thể có sức mạnh, chung sức với cộng đồng cải thiện các vấn đề về môi trường.
Đặc biệt, câu lạc bộ sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn về phản biện, xây dựng, góp ý cho những nội dung quan trọng trong chính sách môi trường của đất nước.
Hơn hết, ông Trung cho rằng việc làm trên còn gắng trách nhiệm của nhà báo lớn hơn trong quá trình đóng góp với tư cách là người trong cuộc.
"Nhà báo không chỉ đơn giản là làm báo, mà còn tham gia vào chính sách môi trường. Với sức mạnh như vậy, đội ngũ làm báo hy vọng cùng đất nước đáp ứng những cam kết của Việt Nam tại COP 26. Những cam kết này vô cùng lớn, là thách thức không nhỏ đối với đất nước" - ông Trung nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận