Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại hội thảo về sách giáo khoa ngày 29-9 - Ảnh: HÀ QUÂN
Tại hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày 29-9, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết thực hiện chủ trương trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn phương án trích 3.500 tỉ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa các cấp đưa vào thư viện trường học, đáp ứng 70% nhu cầu. Các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.
Theo ông Thưởng, bộ đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn nghiên cứu, tính toán và đề xuất ba phương án khác nhau gồm: phương án trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu, phương án mua sách cho 70% nhu cầu và phương án chỉ mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, sau đó, bộ đã lựa chọn phương án đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học.
Phương án được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Bộ Tài chính để trình lên Chính phủ.
Trước đó, Chính phủ đã thống nhất giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn sử dụng và triển khai ngay trong năm học 2022-2023.
Song tại cuộc hội thảo trên, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết không kịp thực hiện trong năm học này, nên sẽ cố gắng để triển khai từ năm học sau.
Sách giáo khoa triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xã hội hóa do nhiều đơn vị tổ chức biên soạn, xuất bản đã công bố giá bán cao hơn nhiều so với giá sách giáo khoa theo chương trình cũ từng khiến phụ huynh và người dân lo ngại.
Đầu tháng 9-2022, Bộ Tài chính cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định giá trần của sách giáo khoa, còn các nhà xuất bản sẽ quyết định mức giá cụ thể.
Bộ Tài chính cho biết sách giáo khoa là mặt hàng có tính chất đặc thù, ảnh hưởng phạm vi rộng đến từng gia đình. Cho nên, việc quản lý nhà nước về giá sách giáo khoa là điều cần thiết.
Bộ Tài chính đã họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề nghị các nhà xuất bản rà soát, tiết kiệm các chi phí như chi phí quản lý, quảng bá sách, lợi nhuận... để giảm giá sách giáo khoa. Trên tinh thần đó, đa phần các nhà xuất bản đã kê khai giảm giá sách giáo khoa từ 5-15% tùy loại sách so với mức dự kiến ban đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận