12/08/2018 11:55 GMT+7

Đề xuất cấm xe cá nhân ở các quận trung tâm TP.HCM đang gây 'rung lắc'

THU DUNG - LÂM HOÀI -  NGỌC HIỂN - NGUYỄN TRÍ
THU DUNG - LÂM HOÀI - NGỌC HIỂN - NGUYỄN TRÍ

TTO - Đề xuất hạn chế tiến tới cấm xe cá nhân hoàn toàn vào năm 2030 ở các quận trung tâm TP.HCM đang gây một cơn 'rung lắc' nhè nhẹ cho người dân Sài Gòn.

Đề xuất cấm xe cá nhân ở các quận trung tâm TP.HCM đang gây rung lắc - Ảnh 1.

Cần phát triển nhiều tuyến xe buýt hơn nữa trước khi hạn chế xe cá nhân. Trong ảnh: xe buýt và xe máy trong giờ cao điểm tại khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Đa số người dân ủng hộ nhưng trên hết, họ đòi hỏi việc đi lại, làm ăn, sinh hoạt phải được bảo đảm tốt.

Tôi chấp nhận hạn chế xe cá nhân hoặc cấm vào khu trung tâm nếu cần thiết nhưng phải đảm bảo rằng hệ thống xe buýt hoặc giao thông công cộng phải hoạt động thường xuyên hơn, kết nối với nhiều điểm đến hơn.

Bà NGUYỄN KIM HOÀNG

* Bà NGUYỄN KIM HOÀNG (kinh doanh mỹ phẩm):

Ủng hộ nhưng phải đảm bảo giao thông công cộng

Trung bình mỗi tuần tôi chuyển hàng đi tỉnh 2-3 lần bằng xe tải nhưng việc giao hàng, gom hàng và các giấy tờ liên quan đều dùng xe máy. Do đó, về lâu dài mà cấm xe máy là rất ảnh hưởng.

Cũng do những bất tiện đó, phải thấy trước là giá nhà và giá mặt bằng cho thuê có thể giảm mạnh ở khu vực bị điều chỉnh nếu việc kinh doanh gặp khó. 

Tuy nhiên, vì bộ mặt trung tâm TP tôi chấp nhận hạn chế xe cá nhân hoặc cấm vào khu trung tâm nếu cần thiết nhưng phải đảm bảo rằng hệ thống xe buýt hoặc giao thông công cộng phải hoạt động thường xuyên hơn, kết nối với nhiều điểm đến hơn. Còn không, thiệt hại không chỉ là bất tiện cho sinh hoạt mà còn thiệt hại kinh tế rất lớn.

Tôi cũng cho rằng ngoài phát triển giao thông công cộng, cũng cần nghiên cứu giảm nhập xe máy hoặc hạn chế cho đăng ký xe máy đối với người trú tại các quận trung tâm.

* TS VŨ ANH TUẤN (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức):

Có lộ trình thì sẽ thích nghi

Có thể cấm xe máy đi xuyên tâm TP vào một số khung giờ nhất định. Tuy nhiên, cần đề xuất thực hiện phương án này có lộ trình lâu dài, cấm từ từ để người dân thích nghi. 

Song song đó, cần xác định phải có đường đi thay thế khi cấm xe đi trên các tuyến đường huyết mạch như Trường Sơn (Q.Tân Bình), Võ Thị Sáu (Q.3)... tránh gây rối loạn giao thông. Cùng với đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới xe buýt trên diện rộng, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.

* Anh ĐẶNG TRƯỜNG (Q.1, TP.HCM):

Nên cấm ôtô thay vì xe máy

Tôi e rằng nếu TP.HCM cấm xe máy đi vào khu vực trung tâm thì một lượng xe máy lớn sẽ dồn sang các tuyến đường nhỏ xung quanh đó. Lúc này, tình trạng ùn tắc càng trở nên trầm trọng cho xung quanh.

Theo tôi, loại phương tiện cần cấm phải là ôtô cá nhân, bởi trên thực tế ôtô chiếm diện tích bề rộng mặt đường hơn. Hiện nay, lượng ôtô riêng, taxi, xe Grab tăng vọt càng khiến vấn đề kẹt xe trở nên trầm trọng. 

Một số tài xế ôtô thiếu ý thức, chạy dàn hàng ngang chiếm hết mặt đường khiến xe máy phía sau không nhúc nhích được. TP nên nghiên cứu hạn chế ôtô trước thì sẽ hợp lý và khả thi.

* Anh ĐÀO HỒNG VIỆT (Q.3, TP.HCM):

Cần rút kinh nghiệm từ Hà Nội

Tôi là người thường xuyên đi lại khu vực Q.1, Q.3 và thấy rằng thí điểm cấm xe máy đi vào trung tâm là hoàn toàn hợp lý. Tại TP.HCM, bình quân mỗi người đều có một chiếc xe máy (hoặc hơn). 

Lượng xe máy quá lớn và ngày càng gia tăng là nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc giao thông. Trước mắt, chỉ thực hiện cấm trên vài tuyến đường vào giờ cao điểm để người dân thay đổi thói quen đi lại, sử dụng xe công cộng nhiều hơn.

Tuy nhiên, TP phải nghiên cứu kỹ lộ trình cấm xe máy, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới đã làm. Tại Việt Nam, Hà Nội cũng đã thí điểm nhưng hiệu quả chưa cao. Nên tìm hiểu tại sao, cần thay đổi phương pháp như thế nào...

Cùng với đó, muốn thực hiện cấm xe máy vào nội ô thành công, TP còn phải giải quyết một số vấn đề lớn như phát triển hệ thống xe buýt phủ khắp mọi tuyến đường, xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường sắt đô thị nhanh chóng... để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

* LÊ NGUYỄN MINH KHANH (sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải phân hiệu tại TP.HCM):

Đề xuất tốt nhưng phải khả thi

Tôi cho rằng đề xuất hạn chế và tiến tới cấm xe cá nhân vào khu vực nội thành là một đề xuất tốt.

Hiện nay, mỗi khi di chuyển vào trung tâm TP, nhất là vào giờ cao điểm, tôi thường xuyên bị tắc đường. Nếu trời nắng, di chuyển giữa chi chít những làn xe phả ra hơi nóng, khói bụi rất mệt mỏi. Còn trời mưa, ngập nước, tắc đường càng khiến việc di chuyển thêm khó khăn. 

Đó là chưa kể khi kẹt giữa các làn xe, người tham gia giao thông còn phải đối diện với ô nhiễm tiếng ồn, còi xe inh ỏi. Có những lúc mệt mỏi tôi chỉ muốn bỏ xe lại để đi bộ về.

Do đó, lộ trình hạn chế xe cá nhân và thay thế xe bằng các phương tiện công cộng vào khu trung tâm, theo tôi, mang lại những lợi ích sau: tiết kiệm nhiên liệu; giảm ô nhiễm môi trường (ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí...); đường phố thông thoáng, văn minh và trật tự hơn. Đó cũng là những mong muốn của công dân sống trong TP này.

Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn tính khả thi của đề xuất bởi phương tiện cá nhân ở TP.HCM ngày một tăng, kể cả xe máy lẫn xe hơi. 

Nếu cấm hẳn xe thì phải đầu tư xây dựng các bãi giữ xe quy mô, đáp ứng một lượng lớn phương tiện ở những điểm tiếp giáp khu vực cấm. Có như thế mới giải quyết được bài toán khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Người buôn bán lo lắng

Chị Vũ Ngọc Bích có quán ăn ở số 100 đường Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3. Đây là tuyến đường nằm trong đề xuất hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoàn toàn.

Hiện đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn này là đường một chiều nên quán ít khách, 90% trong đó là khách đi xe máy và nhân viên văn phòng. Do đó, nếu cấm hẳn xe máy tuyến đường này, chị nói có thể phải đóng quán ăn vì khả năng thua lỗ. Theo chị Bích, chỉ nên hạn chế xe máy vào khung giờ nhất định.

Những hộ kinh doanh trên trục đường này cũng có nỗi lo lắng như chị Ngọc Bích.

* Ông TRẦN CÔNG HÙNG (giám đốc Công ty Hưng Thịnh):

Tôi ủng hộ

Việc áp dụng các biện pháp như điểm đỗ xe thông minh iParking, tăng phí đỗ xe trong trung tâm… để nhằm hạn chế phương tiện cá nhân như Hà Nội đang áp dụng, tôi ủng hộ và cho rằng khá khả thi. Đây được xem là hình thức "cưỡng ép mềm", tức đưa người dân vào khuôn khổ chính sách một cách từ từ, dần dần tạo thói quen để họ thực hiện một cách tự nguyện.

Tôi đi một số nước phát triển thấy phí đỗ xe ở khu vực trung tâm rất cao, thậm chí nhiều nơi rất khó để tìm chỗ đỗ xe trên đường phố. Điều này khiến thành phố của họ rất thông thoáng, gọn gàng, sạch đẹp. Ở những thành phố này, hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, xe điện, metro ngầm phủ khắp nơi, người dân muốn đi tới đâu cũng dễ.

Về việc Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cấm xe máy trong tất cả các quận nội thành, tôi cho rằng như vậy là quá gấp gáp và khó khả thi. Chính quyền nên làm vùng lõi trước bằng cách chọn 5-6 quận trung tâm như quận Ba Đình với đặc thù là trung tâm tập trung nhiều cơ quan hành chính, quận Hoàn Kiếm với đặc thù phố cổ, quận Tây Hồ, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng… với hệ thống giao thông được đầu tư khá thuận tiện.

Song song với hạn chế phương tiện cá nhân, cần đưa ra lộ trình phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ đi kèm. Tránh tình trạng chính sách ban hành có hiệu lực rồi nhưng hạ tầng không đáp ứng được, đẩy người dân vào thế khó.

TP.HCM cấm xe ôtô lưu thông trên nhiều tuyến đường

TTO - Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, do thi công gói thầu K “Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực rạch Hàng Bàng” thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, giai đoạn 2 sẽ rào chắn nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 5, quận 6 và quận 11.

THU DUNG - LÂM HOÀI - NGỌC HIỂN - NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp