Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (trưởng ban soạn thảo, nguyên viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương) tiếp tục đưa ra dự thảo mới của Luật Chuyển đổi giới tính để xin ý kiến người dân.
Theo đó, dự thảo luật quy định người dân chỉ được chuyển đổi giới tính một lần trong đời.
Người chuyển đổi giới tính sẽ được công nhận quyền tài sản trước chuyển giới
Dự thảo nghiêm cấm kỳ thị phân biệt đối xử, đưa thông tin sai lệch đối với người chuyển giới tính, gia đình và người thân của họ. Vận động, dụ dỗ, thúc ép, bắt buộc người khác chuyển giới. Đặc biệt, nghiêm cấm người dân thực hiện chuyển đổi giới tính 2 lần trở lên trong đời.
Về quyền người chuyển đổi giới tính, dự thảo quy định 15 quyền của người chuyển đổi giới tính. Trong đó, được công nhận giới tính mới sau khi đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của dự thảo...
Có đầy đủ quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan...
Được lưu giữ tinh trùng, trứng để duy trì nòi giống thông qua các dịch vụ sinh sản phù hợp với đạo lý và pháp luật Việt Nam. Được bảo lưu thông tin trên các văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước khi chuyển đổi giới tính.
Được hưởng các chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và quy định của pháp luật khác có liên quan phù hợp với giới tính đã chuyển đổi.
Bên cạnh đó, được thay đổi thông tin giới tính trên các giấy tờ tùy thân sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính; được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật...
Với trường hợp được công nhận quyền tài sản đối với tài sản tạo lập trước khi chuyển đổi giới tính, nếu giấy chứng nhận quyền tài sản có thông tin giới tính, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền tài sản có nghĩa vụ điều chỉnh thông tin giới tính theo giới tính được công nhận của người chuyển đổi giới tính...
Như vậy, ngoài các quyền như được công nhận giới tính mới, quyền tài sản, hưởng các chế độ thai sản… người chuyển giới tính sẽ có quyền thay đổi thông tin giới tính trên các giấy tờ tùy thân sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Theo đó thông tin giới tính trên các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân của người chuyển đổi giới tính sẽ được thay đổi sang giới tính đã được pháp luật công nhận.
Luật Căn cước công dân hiện hành thì căn cước công dân được đổi trong các trường hợp thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán…
Còn Luật Căn cước mới có hiệu lực từ 1-7-2024 thì người dân được đổi căn cước khi thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định...
2 phương án về tình trạng hôn nhân
Liên quan điều kiện với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, dự thảo đưa ra 2 phương án đối với tình trạng hôn nhân của người đề nghị.
Trong đó, phương án 1 là độc thân, còn phương án 2 không quy định tình trạng hôn nhân của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Cùng với đó, về hồ sơ, quy trình, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân độc thân theo quy định của pháp luật, còn phương án 2 không cần giấy này...
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã đồng ý bổ sung dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận