Toàn cảnh buổi hội thảo khoa học thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng nhu cầu hội nhập, sáng 23-6 - Ảnh: TỰ TRUNG
Buổi hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong nước, với sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng quy mô GRDP của TP.HCM so với cả nước đã đạt ngưỡng quá cao và đã cơ bản tận dụng gần tối đa các yếu tố đầu vào và cơ sở hạ tầng hiện có.
Ông nhận định nếu không có cải thiện mang tính đột phá thì tốc độ tăng trưởng những năm tiếp theo có thể sẽ giữ như vậy hoặc thấp đi, vì các nguồn lực những năm qua đã sử dụng đạt ngưỡng, như không gian phát triển về đất đai đã tới giới hạn, vì đã dành nhiều đất đai phát triển các ngành công nghiệp, trong khi lại chậm thay đổi cơ cấu hướng đến các ngành có giá trị cao.
Từ những phân tích này, GS Hoài có những gợi ý chính sách cho TP tái cấu trúc không gian sản xuất và kinh doanh trên địa bàn TP khi nguồn lực đất đai đã trở nên quá tải với hơn 10 triệu dân.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu mở đầu buổi thảo luận - Ảnh TỰ TRUNG
Trong đó có đề xuất TP nên ra điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải (taxi/Grab/khác) phải có bãi đậu xe tối thiểu tập kết - trung chuyển các điểm thích hợp nằm ở ngoại vi TP.HCM, chống chạy lòng vòng gây tắc nghẽn và giải pháp này sẽ có hiệu quả ngay vì hiện nay có hơn 35.000 taxi + grab chạy trong TP và con số này đã vượt số quy hoạch 15.000 xe taxi cho năm 2020.
Liên quan đến vấn đề liên kết vùng để giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng của TP, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM đề nghị TP đẩy mạnh tiến trình hợp tác trong liên kết vùng tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để mở rộng dư địa phát triển.
Theo đó, TP nghiên cứu đề xuất Quốc hội, Chính phủ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn quyết định của Thủ tướng để điều chỉnh hoạt động liên kết vùng. TP.HCM cần xác định trở thành trung tâm tài chính, công nghệ cao, tiêu thụ của cả vùng; chuyển dần các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động sang các địa phương lân cận, các vùng nông thôn.
TS. Huỳnh Thế Du phát biểu về phát triển đô thị bền vững - Video: TỰ TRUNG
Tuy nhiên, thảo luận ý kiến cho rằng không gian phát triển của TP đến giới hạn rồi, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói: "Tôi nghĩ là không phải". Theo ông, TP vẫn còn nhiều đất, bởi công nghiệp dịch vụ chiếm tỉ trọng gần như tuyệt đối, nhưng lại đang chiếm một tỉ lệ đất đai rất nhỏ.
Có ý kiến cho rằng nguồn lực khoa học công nghệ của TP vẫn chưa được phát huy, việc phát triển nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận định, nguồn lực tại chỗ về khoa học công nghệ của TP còn rất nhiều. Tuy nhiên lại không tương tác được, không đi vào doanh nghiệp.
Ông đặt vấn đề, có lẽ cần tới một cuộc cách mạng trong tư duy để doanh nghiệp và nhà khoa học gặp nhau. Ông nói: "Nhiều doanh nghiệp mình cứ ung dung là dùng lao động sẽ chiến thắng, nhưng thế giới họ dùng khoa học".
Bí thư Thành ủy khẳng định, không gian phát triển của TP vẫn còn, nhưng nhiều nguồn lực lại chưa phát huy tốt và mong mỏi sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học để phát huy các nguồn lực này.
GS.TS Võ Thanh Thu - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đóng góp về công nghệ 4.0 tác động đến phát triển kinh tế ở TP.HCM tại buổi hội thảo - Clip TỰ TRUNG
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chính thức đặt hàng các các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia giải quyết các thách thức của thành phố về: ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh...
"Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất và làm hết sức mình để các chuyên gia, nhà khoa học phát huy sáng kiến, phản biện các cơ chế, chính sách, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển bền vững của thành phố", ông nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận