Bỏ thi môn tin học
Đối với nghị định số 115/2020/NĐ-CP và nghị định số 138/2020/NĐ-CP, Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung quy định về tuyển dụng công chức, viên chức để cắt giảm thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Cụ thể là cho phép thí sinh tham dự đăng ký hai nguyện vọng ở hai vị trí việc làm trong cùng một kỳ thi trong trường hợp hai vị trí việc làm đó có cùng yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng và trong cùng một hội đồng thi.
Đồng thời sửa đổi các quy định tương ứng về thông báo tuyển dụng, trình tự, thủ tục tổ chức tuyển dụng.
Quy định bắt buộc tổ chức thi trên máy vi tính đối với kiểm tra kiến thức, năng lực chung; bỏ môn thi tin học; đối với các vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ thì không phải tổ chức thi ngoại ngữ; bổ sung quy định miễn thi ngoại ngữ trong trường hợp có chứng chỉ ngoại ngữ được cơ quan có thẩm quyền quy định có giá trị tương đương với trình độ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng bổ sung quy định cho phép tuyển dụng đối với người có kết quả (đạt trên 50% tổng số điểm) thấp hơn liền kề so với kết quả tuyển dụng của người trúng tuyển cuối cùng trong danh sách nếu phát sinh nhu cầu tuyển dụng trong cùng năm tuyển dụng với vị trí việc làm tương ứng.
Sửa đổi quy định về tiếp nhận công chức, viên chức; nguyên tắc xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức; điều kiện miễn tập sự.
Việc sửa nghị định lần này cho phép ủy quyền thực hiện tuyển dụng trong trường hợp số lượng thí sinh đăng ký tuyển dụng không phù hợp với việc thành lập riêng một hội đồng tuyển dụng.
Bỏ thi thăng hạng viên chức
Đáng chú ý, dự thảo nghị định sửa đổi quy định về thi nâng ngạch công chức, thăng hạng và chuyển đổi chức danh nghề nghiệp viên chức để cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng cho đội ngũ công chức, viên chức.
Cụ thể, quy định bắt buộc tổ chức thi trắc nghiệm kiến thức chung trên máy vi tính, đồng thời bỏ thi môn tin học. Đối với môn ngoại ngữ nếu không có sự thay đổi về trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu của ngạch đang giữ với ngạch dự thi thì không phải tổ chức thi.
Đồng thời, bổ sung quy định miễn thi ngoại ngữ trong trường hợp có chứng chỉ ngoại ngữ còn trong thời hạn được cơ quan có thẩm quyền quy định giá trị tương đương với yêu cầu của ngạch dự thi; mở rộng hình thức thi viết theo một trong hai phương thức viết tự luận hoặc trắc nghiệm.
Đối với viên chức, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng. Viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Dự thảo nghị định cũng sửa đổi quy định để tăng cường phân cấp trong tổ chức tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức.
Đối với công chức, phân cấp cho cơ quan quản lý công chức căn cứ vào danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đã được phê duyệt chủ trì hoặc phân cấp, ủy quyền tổ chức thi nâng ngạch từ chuyên viên hoặc tương đương lên chuyên viên chính hoặc tương đương mà không cần có ý kiến của Bộ Nội vụ (hoặc Ban Tổ chức Trung ương) về đề án.
Còn đối với viên chức, cơ quan quản lý viên chức chủ trì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I và bổ nhiệm, xếp lương viên chức loại A3 mà không cần phải có ý kiến của Bộ Nội vụ.
Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II và hạng III được giao cho cơ quan được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng thực hiện để phù hợp với việc bỏ quy định về thi thăng hạng, đồng thời đẩy mạnh chủ trương phân cấp.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc chủ trì, cung cấp miễn phí phần mềm dùng chung và ngân hàng câu hỏi, đáp án thi môn kiến thức chung, ngoại ngữ và môn chuyên môn nghiệp vụ hành chính cho các kỳ thi nâng ngạch công chức.
Ngoài ra, dự thảo lần này bổ sung quy định về thời hạn giao phụ trách, giao quyền không quá 12 tháng để tránh tình trạng lợi dụng quy định để giao quyền, giao phụ trách đối với các trường hợp không đủ tuổi bổ nhiệm, đồng thời quy định chuyển tiếp trong quá trình thực hiện.
Bổ sung quy định về giấy xác nhận về danh mục các văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ khác có liên quan đã có bản sao công chứng hoặc bản gốc trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, đối với những văn bằng, chứng chỉ đã có trong hồ sơ thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ của đơn vị có trách nhiệm xác nhận; giấy xác nhận có giá trị thay thế các bản sao và được sử dụng trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và trong các công tác cán bộ khác.
Quy định này nhằm giải quyết thực trạng cán bộ, công chức, viên chức phải nộp quá nhiều bản sao công chứng trong quá trình công tác trong khi đã có trong hồ sơ cán bộ khi được tuyển dụng, tiếp nhận.
Đương nhiên tạm đình chỉ chức vụ, tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, viên chức bị tạm giữ, tạm giam
Đối với nghị định số 112/2020/NĐ-CP, Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung đối tượng áp dụng để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019. Sửa đổi quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức khi đã chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm tại nơi công tác cũ để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Đồng thời sửa đổi quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật, cải cách thủ tục hành chính theo hướng trường hợp hết thời hiệu thì không phải tổ chức họp kiểm điểm; cơ quan tham mưu về công tác cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền về việc không xem xét xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu. Bổ sung quy định không tổ chức họp kiểm điểm đối với trường hợp đã chuyển công tác; không tổ chức họp kiểm điểm và không phải thành lập hội đồng kỷ luật trong trường hợp đã có quyết định xử lý kỷ luật Đảng.
Dự thảo nghị định bổ sung quy định về đương nhiên tạm đình chỉ chức vụ, tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị tạm giữ, tạm giam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận