![Đề xuất bổ sung quy định cụ thể các mức độ vi phạm dẫn đến mất tư cách đại biểu Quốc hội - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/thach-phuong-binh-17393535101411372276403.jpg)
Đại biểu Thạch Phước Bình - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 12-2, Quốc hội thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Xác định tiêu chí quyết định mức độ vi phạm nào đủ nghiêm trọng để tạm đình chỉ
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho hay dự thảo bổ sung quy định mới về việc tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và các hệ quả pháp lý liên quan. So với quy định cũ, nội dung sửa đổi có một số điểm nổi bật.
Mặc dù quy định mới có tiến bộ hơn nhưng theo ông Bình, vẫn có một số điểm cần xem xét lại.
Cụ thể, về cơ sở tạm đình chỉ đại biểu Quốc hội, ông Bình nêu điều khoản chưa xác định rõ các tiêu chí để quyết định mức độ vi phạm nào đủ nghiêm trọng để tạm đình chỉ.
Cần phân biệt giữa vi phạm hành chính, kỷ luật Đảng, và vi phạm pháp luật hình sự. Từ đó, ông đề xuất cần quy định rõ các tiêu chí khách quan để tránh tình trạng xử lý thiếu thống nhất giữa các đại biểu.
Về việc khôi phục quyền lợi cho đại biểu Quốc hội, theo ông Bình hiện tại điều khoản chỉ quy định khôi phục quyền hạn nếu đại biểu "không có vi phạm" hoặc "được miễn trách nhiệm hình sự".
Tuy nhiên, ông chỉ rõ dự luật không nói rõ trường hợp đại biểu bị oan sai hoặc bị truy tố sai, liệu họ có được bồi thường hay không.
Ông đề xuất nên bổ sung cơ chế bồi thường hoặc phục hồi danh dự nếu đại biểu bị kết án sai hoặc bị truy tố không có căn cứ.
Về điều kiện mất tư cách đại biểu Quốc hội, ông Bình nói quy định hiện tại nêu rằng đại biểu bị kết tội thì đương nhiên mất tư cách, nhưng không làm rõ trường hợp án treo hoặc các hình phạt không tước quyền công dân.
"Đề xuất cần bổ sung quy định cụ thể về các mức độ vi phạm có thể dẫn đến mất tư cách đại biểu để tránh cách hiểu quá rộng", ông Bình nêu thêm.
![Đề xuất bổ sung quy định cụ thể các mức độ vi phạm dẫn đến mất tư cách đại biểu Quốc hội - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/ngo-trung-thanh-1739357123452844047323.jpg)
Đại biểu Ngô Trung Thành - Ảnh: GIA HÂN
Đại biểu Quốc hội đề xuất không gọi là "kỳ họp bất thường"
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị xem xét quy định tên các kỳ họp không thường kỳ theo hướng không gọi là "kỳ họp bất thường".
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng "gọi là kỳ họp bất thường nghe hơi căng" và ông đồng tình quan điểm nên gọi "kỳ họp không thường kỳ".
"Còn với Quốc hội thì khi nào nhân dân cần, đất nước cần thì họp. Họp hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm thời gian", ông Nguyễn Anh Trí nói.
Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Huy Thái kiến nghị xem xét tên gọi phù hợp hơn hoặc bổ sung quy định tên gọi "kỳ họp chuyên đề".
"Trong kỷ nguyên vươn mình, Quốc hội có rất nhiều việc phải làm, nên chăng xem xét nghĩ đến sửa đổi Hiến pháp trong thời gian sớm nhất", ông Thái nêu ý kiến.
Bày tỏ đồng tình cao với các đại biểu nêu trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành chia sẻ không chỉ đại biểu Quốc hội, mà nhiều cử tri cũng băn khoăn với tên gọi "kỳ họp bất thường".
Theo ông, Hiến pháp quy định Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ và các điều kiện để họp bất thường, không quy định tên gọi cụ thể là "kỳ họp bất thường".
Do vậy lần này sửa luật là dịp để cụ thể hóa, quy định bên cạnh 2 kỳ họp thường lệ thì Quốc hội họp các kỳ không thường lệ, thậm chí có thể đặt tên số thứ tự kỳ họp. "Kỳ này nên giải quyết dứt điểm tên gọi", ông Thành nêu rõ.
Ở góc độ khác, đại biểu Tạ Văn Hạ, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho rằng tên gọi "kỳ họp bất thường" không có gì phải suy nghĩ và cũng không nên nghĩ nó là bình thường.
"Hiện nay "điểm nghẽn của điểm nghẽn" là thể chế. Gọi "bất thường" là để nhắc nhở thể chế còn nhiều điều cần nghiên cứu, chất lượng phải nâng lên, vấn đề đưa ra cần giải quyết ngay, các cơ quan làm ngày làm đêm.
Còn hy vọng cử tri, đại biểu là ngày càng giảm bớt kỳ họp bất thường, vì khi đó hệ thống pháp luật đã cơ bản hoàn thiện", ông Hạ phát biểu.
Báo cáo giải trình sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu làm rõ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Còn quan điểm riêng của ông cho rằng gọi "không thường kỳ" hay "kỳ họp chuyên đề" đều không vướng quy định của Hiến pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận