Cụ thể, tổng tỉ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ và năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ. Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển.
Không chỉ số lượng mà cần cả chất lượng dân số
Trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao, trên 2,5 con/phụ nữ.
Để duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng hoặc cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con.
Khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng hoặc cá nhân.
Đây là đề xuất thay đổi so với pháp lệnh dân số đang thi hành hiện nay quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định...".
Đại biểu Phạm Văn Thịnh, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế đưa ra. Ông cho biết đã tính toán thử, với tốc độ giảm sinh hiện nay thì đến năm 2500 dân số Việt Nam còn 3,6 triệu người.
Theo ông Thịnh, hiện nay ngoài một số vùng vẫn có mức sinh cao thì có tình trạng nhiều người không muốn sinh con, ngại sinh con hay không thể sinh con. Với những người không muốn hay ngại sinh con là do một phần chi phí nuôi con và phụ nữ tham gia nhiều hơn các công việc trong xã hội nên có một số người "không muốn sinh".
Thêm vào đó, theo ông Thịnh, việc vẫn giữ chính sách sinh như hiện nay, cộng thêm mức sinh giảm, sẽ ảnh hưởng cả đến tiềm lực, sức mạnh quốc gia trong tương lai. Các nhà đầu tư cũng sẽ nhìn vào tiềm năng của dân số, thị trường lao động để có đánh giá.
"Trong bối cảnh dân số thế giới cũng đang giảm mà quốc gia nào duy trì được mức sinh thay thế đảm bảo và có tăng trưởng sẽ là thành công cả về mặt kinh tế lẫn chính trị", ông Thịnh nêu rõ.
Nam đại biểu chia sẻ hiện nay nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc hay một số nước châu Âu đã có rất nhiều chính sách động viên, khuyến khích, chăm lo, kể cả thưởng bằng tiền cho phụ nữ khi sinh con thứ 1, thứ 2... Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ sau sinh chăm lo con cái... Do vậy, Việt Nam cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các chính sách khuyến khích sinh.
Ông Thịnh nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, việc thay đổi các chính sách về dân số, khuyến khích sinh phải thực hiện nhanh hơn nữa để bắt kịp sự thay đổi.
Trong đó, ông đề nghị Chính phủ nên xem xét, trình Quốc hội sớm hơn tại kỳ họp thứ 8 tới một nghị quyết hoặc nội dung trong nghị quyết, văn bản thể hiện rõ chính sách khuyến khích sinh của Việt Nam. Từ đó, sẽ điều chỉnh các văn bản khác có liên quan về nội dung này.
Để người dân an tâm sinh, chăm sóc con cái
Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đánh giá quy định "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định..." đã không còn phù hợp với bối cảnh mức sinh thay thế đang giảm ở một số thành phố lớn.
Thực tế, quy định này trong những năm qua đã không còn khắt khe như trước, nhưng để hợp pháp hóa thì cần có sửa đổi chính thức để áp dụng.
Về chính sách tăng mức sinh thay thế ở một số thành phố lớn, đặc biệt tại TP.HCM, ông Tiến cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ để các gia đình thuận lợi sinh con và nuôi dưỡng, đồng thời tuyên truyền người dân để tăng tỉ lệ sinh.
Ông dẫn chứng tại nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều đã có nhiều chính sách hỗ trợ khi các cặp vợ chồng sinh con. Trong bối cảnh của Việt Nam, cần xem xét những chính sách có thể thực hiện được để khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh ít nhất hai con.
"Ví dụ, đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn hiện nay, họ phải tự lo chi phí để điều trị, mong mỏi một đứa con. Chúng ta có thể có những chính sách hỗ trợ đối tượng này, không phải toàn bộ chi phí nhưng cũng cần hỗ trợ một phần.
Ngoài ra, cần có thêm các chính sách liên quan đến hỗ trợ chi phí học tập, chăm sóc sức khỏe đối với các gia đình khó khăn. Khi cuộc sống ổn định, người dân sẽ an tâm để sinh con và chăm sóc con cái", ông Tiến nêu quan điểm.
Còn GS.TS Giang Thanh Long (khoa kinh tế học Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội), chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dân số, cho rằng Việt Nam đã "đón đầu" trong thay đổi chính sách về mức sinh thay thế.
Tuy nhiên, cần nhìn rộng hơn vấn đề mức sinh tại các vùng đang có sự chênh lệch rõ rệt. Những vùng nghèo có mức sinh cao hơn những vùng có kinh tế phát triển ổn định hơn.
"Điều này cho thấy khi đời sống được cải thiện thì vấn đề bao nhiêu con không phải nằm ở các chính sách khuyến khích của Nhà nước mà do nhu cầu của mỗi gia đình.
Những cặp vợ chồng sinh con muốn chăm sóc, đầu tư cho con nhiều hơn nên chỉ dừng lại ở việc sinh một đến hai con. Thực tế chính sách quy định mức sinh không có tác động quá nhiều đến quyết định sinh con của cặp vợ chồng", ông Long nhấn mạnh.
Cần có chính sách mang tính tổng thể
GS.TS Giang Thanh Long cho rằng điều cần làm là phải có những chính sách mang tính tổng thể, chiến lược để việc sinh con và chăm sóc con cái không còn là gánh nặng đối với các gia đình.
Thực tế hiện nay ở các thành phố lớn, khi sinh con, các gia đình phải lo lắng rất nhiều vấn đề. Từ việc mang thai, sinh con, cho con đi học, chăm sóc sức khỏe và chỉ khi cải thiện được những vấn đề này mới gỡ bỏ được nút thắt trong việc ngại sinh con của các cặp vợ chồng.
Ông Long cho rằng mức sinh của Việt Nam hiện nay không phải quá thấp so với các nước.
Dù mức sinh ở các thành phố thấp nhưng do di biến dân cư nên lao động từ các tỉnh thành khác đến thành phố lớn lao động cao. Vì vậy, việc mức sinh giảm nhưng chưa làm ảnh hưởng đến nguồn lao động tại khu vực này.
"Việc đón đầu chính sách là tốt nhưng không nên làm quá rầm rộ nếu không sẽ không đem lại hiệu quả. Việc đưa vào luật, có những chính sách cũng cần đảm bảo tính khả thi, có thể thực hiện sau khi ban hành", ông Long nêu thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận