23/04/2020 10:37 GMT+7

Đề xuất bỏ hạn ngạch trong xuất khẩu gạo

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - So với cách đây một tháng, tình hình an ninh lương thực, dịch bệnh, hạn mặn và sâu bệnh đã khác nhiều nên cần sớm cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường để giảm khó cho doanh nghiệp cũng như nông dân.

Đề xuất bỏ hạn ngạch trong xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Vụ lúa hè thu tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang chuẩn bị vào thu hoạch, đảm bảo cung cấp cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đó là ý kiến được một số địa phương và doanh nghiệp đưa ra tại cuộc họp thanh tra liên ngành gạo sáng 22-4 ở TP.HCM. 

Thậm chí có ý kiến cho rằng nếu không sớm xuất khẩu gạo tự do trở lại, vụ hè thu bước vào thu hoạch rộ có thể dẫn tới giá lúa gạo giảm sâu, phát sinh nhiều vấn đề.

Lo lúa hè thu khó tiêu thụ

Tại hội nghị, ông Lê Minh Đức - giám đốc Sở Công thương Long An - khẳng định hiện nguồn cung tốt, sản lượng đảm bảo, dư xuất nên cần chớp thời cơ để xuất khẩu. 

Chính phủ đã yêu cầu tìm thị trường, nay có thị trường rồi thì nên cho xuất hết, không có lý do gì để cấm xuất khẩu. 

Còn theo đại diện Kiên Giang, hiện các doanh nghiệp ở tỉnh có 69.000 tấn gạo tại cảng chưa xuất khẩu được. 

Tỉnh có 100.000ha lúa hè thu cuối tháng 5 sẽ thu hoạch, nên việc xuất khẩu gạo với Kiên Giang là rất cần thiết. Đề nghị Bộ Công thương xem xét đẩy mạnh xuất khẩu giải cứu giá hiện nay, không để thiệt thòi cho nông dân.

Đại diện của Đồng Tháp cũng cho hay vụ hè thu năm nay tỉnh đang xuống giống 139.000ha và chuẩn bị thu hoạch gần 50.000ha. 

Do đó cần giải quyết nhanh hàng tồn tại cảng, hàng tồn kho tại các doanh nghiệp, bỏ hạn ngạch đăng ký xuất khẩu. Cần xem xét khâu nào gây ra ách tắc trong xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến doanh nghiệp để có những giải quyết thấu đáo.

Tồn kho còn rất lớn

Ông Nguyễn Ngọc Nam - chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) - cho rằng nếu như thời điểm giữa tháng 3 các lo lắng về mất an ninh lương thực quốc gia là đúng thì đến thời điểm này đã khác. 

Chỉ tính gạo tồn kho của các doanh nghiệp thuộc VFA đến ngày 18-4 đã là 1,945 triệu tấn, trong khi hợp đồng đã ký là 1,72 triệu tấn. 

Như vậy, dù có thực hiện hết các hợp đồng đã ký tới hết tháng 6 thì tồn kho của hơn 70 doanh nghiệp thuộc VFA cũng còn dư hơn 200.000 tấn. Với sản lượng hàng hóa dư thừa thế này, Tổng cục Dự trữ mua 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa vẫn còn thừa rất lớn nên không cần lo. 

"Đó là chưa kể vụ hè thu sắp thu hoạch sẽ bổ sung lúa gạo hàng hóa vào thị trường. Vì vậy, VFA kiến nghị tháng 5 nên cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường", ông Nam đề xuất.

Theo ông Lê Thanh Tùng - phó cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ hè thu năm nay các tỉnh ĐBSCL xuống giống 700.000ha trong số hơn 1,5 triệu ha. Cuối tháng 5 sẽ thu hoạch 100.000ha và tháng 6 sẽ thu hoạch rộ. 

Ước tính sản lượng vụ hè thu năm nay đạt 7 triệu tấn lúa, sau khi trừ nhu cầu chế biến, làm giống, hao hụt thì còn 2,3 - 2,4 triệu tấn gạo.

Giá giảm, ai chịu cho nông dân?

Ngày 20-4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến không tăng thêm hạn mức được nhưng cho ứng trước 100.000 tấn bổ sung vào quota xuất khẩu tháng 4 và xóa nếp khỏi hạn ngạch xuất khẩu. 

"Doanh nghiệp chúng tôi rất mừng, nhưng đến giờ này vẫn bị khó khăn và ách tắc bởi hải quan", ông Nguyễn Ngọc Nam cho hay.

Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam - chủ tịch Tập đoàn Intimex - đề xuất nên bỏ hạn ngạch và cho tự động đăng ký tờ khai xuất khẩu 6 tháng đầu năm là 3 triệu tấn để doanh nghiệp tự do xuất khẩu, đến tháng 7 mở tiếp chứ không nên cấp hạn mức theo tháng.

"Nếu áp mức trần 3 triệu tấn cho 6 tháng thì vẫn đảm bảo an ninh lương thực, mà doanh nghiệp được tự do xuất khẩu", ông Nam cho hay.

Đến nay, giá gạo lên mức 550 USD/tấn mà không có gạo để bán. Trong khi cuối tháng 5 thì vụ hè thu đã bắt đầu thu hoạch. 

Lúa gạo vụ này có đặc điểm là chất lượng kém hơn vụ đông xuân, khó bảo quản, dễ xuống cấp nên nếu giá lúa giảm còn 4.000 đồng/kg thì ai chịu cho nông dân, làm sao dân chịu nổi.

Ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) - nói: "Đề nghị điều hành xuất khẩu gạo thời gian tới là không hạn ngạch gì cả. Càng hạn ngạch càng là cửa cho tiêu cực. Lúc cấm thì hải quan làm rất nhanh, khi cho xuất khẩu lại thì làm khó doanh nghiệp?", ông Bình thắc mắc.

Không để doanh nghiệp thiệt hại thêm nữa

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Nam - tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood) - cho biết gần 10.000 tấn gạo công ty này đưa đến cảng Mỹ Thới trước ngày 24-3 vẫn chưa thể xuất khẩu vì tờ khai hải quan bỗng nhiên bị mất trên hệ thống.

"Ngày 22-4, hai tàu chở gạo đã chính thức thông báo phạt chúng tôi gần 200.000 USD, chưa kể gần 10.000 tấn gạo trên sà lan đợi lên tàu. Công ty chúng tôi có nguy cơ sụp đổ. Đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính giải oan cho chúng tôi", ông Nam bức xúc nói.

Sau khi nghe ông Nam trình bày, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đề nghị ông Mai Xuân Thành - phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - hỗ trợ ngay thông quan cho Bidifood và các trường hợp tương tự vì các doanh nghiệp ở trường hợp này đang chịu quá nhiều thiệt thòi. 

"Đề nghị tính lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp này vào 100.000 tấn ứng thêm trong lượng xuất khẩu thêm tháng 4. Tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân cho đề nghị này vì không để doanh nghiệp thiệt hại thêm nữa", ông Khánh phát biểu.

Tạo điều kiện cho thương nhân giải tỏa hàng tồn đọng

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay trước khi vào họp đã ký công văn hỏa tốc gửi hải quan các tỉnh đề nghị cho phép thông quan xuất khẩu, tạo điều kiện cho các thương nhân giải tỏa hàng tồn đọng.

Ông Khánh cho rằng so với thời điểm cách đây một tháng thì tình hình an ninh lương thực đã khác. Đến nay, các tỉnh ĐBSCL khẳng định vụ đông xuân được mùa lớn. Vụ đông xuân ở phía Bắc bắt đầu thu hoạch và không có thiệt hại do sâu bệnh như e ngại trước đó.

Trước mắt sẽ xem xét giải quyết gạo nếp, giải quyết các lô hàng đưa về cảng trước ngày 24-3, rồi đến các trường hợp đã mở tờ khai mà bị thất lạc, rồi đến lượng hàng tồn trong kho của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh cơ chế điều hành xuất khẩu gạo để báo cáo Chính phủ.

Đề xuất cho xuất khẩu gạo lại bình thường, không có hạn ngạch Đề xuất cho xuất khẩu gạo lại bình thường, không có hạn ngạch

TTO - Đó là ý kiến của lãnh đạo nhiều địa phương tại ĐBSCL và các doanh nghiệp tham dự Hội nghị về tình hình lượng gạo hàng hóa ở cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công thương tổ chức sáng 22-4 tại TP.HCM.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp