Ngày 14-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đề xuất quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài
Đáng chú ý, dự luật đã quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Theo đó, hoạt động cung cấp, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, bảo vệ an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Dữ liệu được phân loại là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng cần được cung cấp, chuyển giao bên ngoài biên giới Việt Nam, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá tác động và chấp thuận.
Đối với dữ liệu cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo dự luật, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi.
Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện xác định, đánh giá tác động và quyết định cung cấp, chuyển giao các dữ liệu quan trọng thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ yếu.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đánh giá tác động việc chuyển giao dữ liệu quan trọng không thuộc quân sự, quốc phòng...
Việc đánh giá tác động tập trung vào các rủi ro mà hoạt động cung cấp, chuyển giao dữ liệu có thể ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Dự luật cũng đặt ra yêu cầu đánh giá tác động nguy cơ dữ liệu sẽ bị giả mạo, phá hủy, rò rỉ, bị mất, chuyển giao hoặc thu thập, sử dụng bất hợp pháp trong hoặc sau khi dữ liệu được chuyển giao...
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay ý kiến cho rằng đây là nội dung mới so với các chính sách đề nghị xây dựng luật nhưng tờ trình chưa làm rõ sự cần thiết của quy định này.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, luồng dữ liệu xuyên biên giới ngày càng gia tăng đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để quản lý.
Theo ông Tới, việc quy định chuyển dữ liệu ra nước ngoài cần được cân nhắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân liên quan đến dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam.
Đồng thời, cần xác định rõ các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu khi đã chuyển giao.
Cùng với đó là trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố dữ liệu, quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong việc quyết định việc chuyển giao dữ liệu, tuân thủ quy định về đánh giá dữ liệu để tránh chồng chéo trong quản lý.
Quy định chi tiết ngay từ đầu không khả thi
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ đồng tình với quy định này, song ông đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm nội hàm trao đổi dữ liệu xuyên biên giới, nhất là về mặt quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế.
Theo ông, nội dung này sẽ thúc đẩy dòng chảy dữ liệu, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, chuỗi cung ứng và mở rộng nguồn lực tài chính. Đây cũng là cách minh bạch, chống hoạt động rửa tiền và hành vi tham nhũng.
Việc trao đổi dữ liệu này phải bảo đảm chủ quyền số, quy định với dữ liệu số Việt Nam để bảo vệ tối đa lợi ích của đất nước cũng như các thỏa thuận quốc tế.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho hay các cơ quan sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện quy định về chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài để đảm bảo sự đồng bộ với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ông nói do tính chất phức tạp và biến động nhanh của môi trường số, việc quy định chi tiết ngay từ đầu là không khả thi.
Vì vậy, theo bộ trưởng, dự luật sẽ giao cho Chính phủ thẩm quyền ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể, nhằm đảm bảo quy định luôn phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận