Thậm chí có trường cố tình đăng ký vượt chỉ tiêu, rốt cuộc không tuyển nổi 1% chỉ tiêu đặt ra, bộ vẫn đưa vào danh sách xử lý. Thông điệp rõ ràng ít nhiều cũng mang tính cảnh tỉnh và răn đe. Tuy nhiên, phía sau quyết định của bộ vẫn còn nhiều điều khiến dư luận chưa thể yên lòng.
Thứ nhất, mức xử lý e rằng còn khá “nhẹ nhàng”. Đa số hình thức kỷ luật được đề nghị đều là khiển trách, có ý nghĩa “đánh” vào danh dự, trong khi bản thân quyết định tự ý tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành kinh tế đã giúp không ít trường tăng được nguồn thu.
Tiếp đến là vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT cũng có giới hạn. Không ít trường do các bộ ngành khác quản lý, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý về chuyên môn, về quy chế đào tạo chứ không quyết được nhân sự. Giả sử bộ có đề nghị cách chức ông hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thì cũng chỉ là đề nghị, còn có quyết cách chức hay giữ tại vị lại là việc của Bộ Công thương. Tương tự, các ĐH địa phương trực thuộc UBND tỉnh, lãnh đạo ĐH Quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm, bộ không thể với tay về nhân sự. Ở các trường ĐH ngoài công lập, hiệu trưởng do hội đồng quản trị bổ nhiệm, “ông chủ” thực là các nhà đầu tư. Thay hiệu trưởng, cách chức hay không công nhận chức danh hiệu trưởng thì cũng “không vấn đề” với những “ông chủ” đầu tư đang đặt ra bài toán lợi nhuận gắt gao.
Thật ra, những quy định về xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất đã có từ lâu, chẳng có gì mới mẻ. Nhưng để phải đưa ra giải pháp quyết liệt đến mức đề xuất xử lý cán bộ là vì lâu nay cả hệ thống giáo dục có vẻ thờ ơ với quy định, quy chế, cứ đặt ra rồi thản nhiên để đấy. Dĩ nhiên nếu nhìn nhận nghiêm túc, Bộ GD-ĐT cũng cần xem lại trách nhiệm của mình vì đâu mà sự cả nể, thiếu kiên quyết lại kéo dài đến như vậy?
Quyết tâm siết lại kỷ cương đã được khởi động. Uy tín của ngành giáo dục, trách nhiệm với tương lai đất nước và chất lượng nguồn nhân lực mới là chuyện quan trọng, chứ không phải “nồi cơm” của một số trường hay lợi ích cá nhân nào được quyền chi phối. Mọi sự khởi đầu đều không dễ dàng do những quán tính và trở lực còn rất lớn. Cần mở rộng đối tượng xử lý, đánh vào lợi ích các trường ngoài công lập như dừng tuyển sinh tạm thời, thậm chí rút giấy phép nếu cố tình “vượt rào”. Bộ cũng nên tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ và các địa phương để chủ trương “xử lý nghiêm” thành quyết tâm chung của các bộ, ngành và địa phương, tránh những rào cản không đáng có trong hành trình nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ...
Trong hội nghị về ngân sách các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT ngày 27-12, khi hiệu trưởng một trường ĐH lớn phân trần nhiều dự án của trường chậm tiến độ là do “lịch sử để lại” thì Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã kiên quyết cho rằng: “Mọi cái đều có kế thừa, người sau vừa được hưởng thụ vừa phải gánh chịu “di sản” của người trước. Những người kế nhiệm chúng ta cũng sẽ thụ hưởng và gánh chịu những việc chúng ta làm hôm nay”. Nói rộng ra, cũng có thể nghĩ rằng thế hệ tương lai sẽ thụ hưởng gì từ sự quyết tâm lập lại trật tự của ngành giáo dục? Hi vọng thời gian sớm có câu trả lời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận