Khán giả xếp hàng tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội xem Ðập cánh giữa không trung. Ảnh tư liệu. |
Nó phản ánh một thái độ không mấy tích cực trong tiếp nhận phim Việt Nam của chính khán giả trong nước.
Không thể chỉ đổ lỗi cho tâm lý vọng ngoại của khán giả, mà cần phải thấy rằng nguyên nhân sâu xa hiện tượng tâm lý trên nằm ở nội tại phát triển của nền điện ảnh nói riêng và văn nghệ nói chung.
Phải nói rằng tâm lý, định kiến này rất khó lay chuyển. Mọi đổi thay chỉ có thể được tạo ra bằng những minh chứng cụ thể và thuyết phục về chất lượng tác phẩm không phải từ những ghi nhận của các tổ chức nghề nghiệp trong nước, mà nhiều khi cần đến sự “đóng chuẩn” khả tín từ bên ngoài - những giải thưởng điện ảnh quốc tế uy tín.
Tức là cuộc chinh phục khán giả trong nước với những đạo diễn Việt Nam hôm nay có khi phải đi theo một đường vòng: người ngoài công nhận, vinh danh thì khán giả nhà may ra mới nóng lòng chờ đón.
Dĩ nhiên, với nhiều đạo diễn phim độc lập thì việc ghi tên lãnh thổ hay căn cước cho tác phẩm không hẳn là chuyện hệ trọng, nhưng mong muốn tác phẩm được đứng rạp, đón nhận tốt trên quê nhà là điều có thật.
Tức là sâu xa, nhiều người trong số họ vẫn mong muốn thông qua tác phẩm đã được quốc tế hóa của mình, xóa bỏ phần nào định kiến khán giả trong nước về phim Việt Nam.
Câu chuyện khán giả xếp hàng tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội để chờ xem Ðập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp (giải thưởng Tuần phê bình phim quốc tế tại Liên hoan phim Venice 2014) cũng như trước đây họ từng nóng lòng đợi xem Bi, đừng sợ của Phan Ðăng Di (sáu giải thưởng trong hạng mục Tuần phê bình phim quốc tế tại Liên hoan phim Cannes 2010), hay Trăng nơi đáy giếng của Nguyễn Vinh Sơn (giải thưởng diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Dubai 2008) trong một số sự kiện điện ảnh khác... cho thấy phía sau cái khắt khe định kiến của khán giả có cả sự đón đợi những đổi thay, đột phá từ nền điện ảnh.
Họ mong mỏi những tác phẩm nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng biệt lập ao tù, những bộ phim được quốc tế hóa danh chính ngôn thuận. Họ muốn thấy điện ảnh phải được trả về cho điện ảnh một cách sòng phẳng nhất.
Những hãng phim tư nhân đang đáp ứng mong mỏi đó của khán giả bằng những bộ phim giải trí đứng rạp đủ sức cạnh tranh với phim ngoại trên sân nhà. Không ít người chấp nhận rủi ro, thua lỗ tán gia bại sản đôi khi chỉ vì tính sai một nước cờ thị trường.
Những nhà làm phim độc lập cũng đang lấy lại niềm tin chính đáng đó nơi khán giả nhà bằng những thể nghiệm nghệ thuật đúng nghĩa, bằng sự chật vật kiếm tìm dự án, luồn lách qua những tay kéo cũ kỹ trong cơ chế chỉ để những sáng tạo của mình được trọn vẹn.
Qua những bộ phim chất lượng hội nhập đúng nghĩa với điện ảnh thế giới, những nhà làm phim muốn nói với khán giả nhà rằng: Ðây, phim Việt Nam đương đại đã không còn như quý vị hình dung!
Nhưng những nỗ lực thay đổi định kiến về phim Việt có lẽ cũng cần có từ nhiều phía. Nghệ sĩ thì đã rồi. Ðiều quan trọng là cần sự cởi mở của môi trường sáng tạo, sự xóa bỏ não trạng quản lý ấu trĩ, sự đồng lòng hưởng ứng tích cực của những nhà phát hành trong việc quảng bá và đưa những tác phẩm sáng giá đến với người xem.
Và dĩ nhiên cũng cần đến sự mở lòng chờ đợi, biết trân trọng những nỗ lực đổi thay trong sáng tạo vượt lên mọi thành kiến ngay từ chính khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận