19/09/2019 08:38 GMT+7

Để vui vẻ Sống cùng 'cai ngục'

TỨ ANH
TỨ ANH

TTO - Tự do trong hôn nhân - một chủ đề quá khó để bàn luận. Cơ bản, những khái niệm trừu tượng và vô hình như "tình yêu", "tự do" vốn đã cực khó để định nghĩa, càng khó mang ra mổ xẻ trong một mối quan hệ mang tính cơ bản nhất của loài người.

Thay vì bàn về nó, xin kể vài câu chuyện, để chúng ta tự hình dung về tự do của riêng mình trong chính gia đình mình...

Cách đây chục năm, tôi về Hà Nội ăn tết với gia đình. Theo thói quen của những tết trước đây, ngày mồng 2 là ngày mấy thằng bạn thân nối khố bù khú với nhau. Địa điểm tụ tập là nhà một đứa nào đó, tùy hoàn cảnh mỗi tết, không cố định. Trong buổi tụ tập năm ấy, người bạn thân nhất của tôi đã làm cả lũ phì cười vì câu chuyện của cậu.

Số là cuộc nhậu đang cao trào, chắc cũng vào cỡ 6h chiều, điện thoại của cậu đổ chuông. "Vợ tôi nó gọi đấy!", cậu thản nhiên nói khi chưa rút điện thoại ra khỏi túi áo. Khi chiếc điện thoại được rút ra, cậu nói ngay "Đấy thấy chưa?". Minh chứng hiện lên trên màn hình với tên người gọi là "Cai ngục".

Cậu hứa hẹn với "Cai ngục" rằng cậu sẽ về vào khoảng 8h. Tất nhiên, tới 8h, cậu vẫn ngồi lại bởi cuộc chuyện trò của đám bạn thân thiết cũ đang quá hứng khởi. Chuông điện thoại lại reo.

Lần này không phải "Cai ngục" gọi mà là bố của cậu gọi. Tới lúc ấy, cậu bạn tôi phải đứng dậy về trước anh em, để lại một lời giải thích: "Cai ngục nhà tôi nó chỉ gọi một lần. Sau đấy nó điều hẳn bố tôi gọi cho tôi các ông ạ".

Gia đình cậu thực sự là một gia đình hạnh phúc, trong ấm ngoài êm, hai vợ chồng cùng chung lưng đấu cật từ chuyện nhà tới chuyện làm ăn. Nếp nhà của cậu khá cổ điển, không gia trưởng nhưng cũng không quá hiện đại.

Trong nếp nhà ấy, vợ của cậu (cũng là bạn học của chúng tôi) là một người phụ nữ không thiếu bất kỳ một tiêu chuẩn nào: được lòng bố mẹ chồng, lại theo đúng nếp nhà, cô con dâu ấy đã khiến bạn tôi nhiều lúc phải nói đùa "tưởng lấy vợ xong tôi thoát gông xiềng ông bà già, nào ngờ giờ tầng lớp đô hộ nhân đôi các ông ạ". Kể từ đó, chúng tôi hay đùa rằng "hôn nhân là ngục tù, vợ là cai ngục".

Câu chuyện vui đó có thể có chút cường điệu về hôn nhân nhưng trên thực tế, không phải nó không có điểm tương đồng với một thứ cảm xúc ẩn sâu của nhiều người về đời sống gia đình. Sự gật gù tán đồng của họ, dù là trong đùa giỡn, cũng cho thấy trong ý thức của họ đã nuôi dưỡng một quan niệm về sự ràng buộc của đời sống hôn nhân.

Sợi dây ràng buộc ấy là gì? Khó nói, vì mỗi người mỗi cảnh. Nhưng chắc chắn, nhiều người đàn ông sẽ nghĩ rằng kẻ cầm sợi dây ràng buộc kia là vợ mình. Ngược lại, phụ nữ cũng có quyền nghĩ đàn ông là kẻ nắm cái xiềng gông ấy. Vậy thì khả năng cả hai phía nhìn đối tác của mình như "cai ngục" là hoàn toàn có thể xảy ra.

Câu hỏi muôn thuở mà chúng ta sẽ đặt ra là "Biết và ý thức được mình sẽ phải sống với cai ngục, tại sao người ta vẫn đâm đầu vào mà cưới?".

Thậm chí, nhiều người còn cho rằng hôn nhân có thể sẽ là điểm chết của tình yêu, nhưng cuối cùng họ vẫn thỏa hiệp với chuyện bước lên xe hoa, ràng nhau lại bằng một sợi dây vô hình được chứng thực bởi tờ hôn thú.

Và khi thèm khát sự tự do, nhiều người nghĩ tới chuyện hủy bỏ cái giao ước thiêng liêng ấy. Và chẳng hiếm những cặp đôi yêu nhau, về sống chung với nhau trước hôn nhân và cảm thấy hạnh phúc, phù hợp tuyệt vời, nhưng khi cưới nhau rồi thì... ấy dza, địa ngục.

Vài bữa trước, trên trang cá nhân của họa sĩ Phan Phương Đông có một chia sẻ mà tôi cảm thấy cực kỳ thú vị. Anh viết "khi biết được giới hạn của tự do, khi đó mình là chính mình". Điều thú vị không nằm ở dòng trạng thái đó mà nằm ở những bình luận kéo theo. Trong đa số các bình luận ấy, tôi nhận ra hiểu về tự do trong xã hội hiện nay thực sự còn rất nhiều khác biệt.

Tất nhiên, đòi hỏi những con người bình thường hiểu thấu được một khái niệm giàu triết tính như tự do là vô cùng vô lý. Chúng ta chỉ nên tìm hiểu cách nhìn nhận về tự do của người có mối quan hệ với mình để từ đó có một tương ứng hành xử cho phù hợp mà thôi. Khi người vợ và người chồng cùng tham gia tương tác trong vô vàn mạng lưới khác nhau của đời sống, giá trị về tự do với họ cũng rất khác.

Tôi có một người bạn, rất đẹp, là chủ một nhà hàng ở quận 1, TP.HCM. Chồng cô là một trí thức Việt kiều Pháp rất lịch lãm và chung thủy. Có lần cô kể với tôi: "Chồng em ngày nào cũng như ngày nào, cứ đi làm về là đúng 7h tối.

Tắm rửa xong là ăn cơm. Ăn cơm xong là ngồi xem TV. Xong là 10h đi ngủ. Đều như vắt chanh. Em mới bảo ông ấy "Anh làm gì thì làm. Mỗi tuần anh phải ra đường hai buổi tối cho em. Gặp bạn bè đi, chứ cứ ở nhà thế này rũ người ra vì chán đấy".

Vậy mà ông ấy trả lời "Nhưng anh ở nhà thế này anh thấy vui". Cuối cùng, em thuyết phục mãi ông ấy mới chịu. Giờ tuần ra đường đi với bạn bè lai rai hai tối bắt đầu thấy vui rồi, quen rồi".

Câu chuyện của cô, tôi tạm gọi là "công cuộc giải phóng một ông chồng", rất lý thú. Người chồng như vậy, với nhiều người là mẫu mực, song chính sự mẫu mực theo vòng lặp đến nhàm chán ấy lại có thể là một thứ ám ảnh vô hình xâm phạm vào cái tự do của người vợ.

Cô vợ là một người cũng cần có không gian riêng, thời gian riêng, nếu cô lựa chọn cách đi ra phố bay nhảy với bạn bè vào buổi tối, rất có thể sẽ tạo ra một mối ngờ vực hoặc những đàm tiếu rất không hay đối với một phụ nữ đã có chồng (nhất là phụ nữ đẹp).

Phương pháp giải phóng ông chồng một tuần hai buổi tối đã giúp họ, mỗi người, có một không gian riêng trong một thời gian vừa đủ. Như một sự nới lỏng để tự do có thêm chỗ.

Một cặp vợ chồng khác, người chồng là nguồn kinh tế chủ lực của gia đình, làm nhiều nghề. Vợ chồng anh đông con nên anh càng phải chăm chỉ hơn. Mọi khoản lương, thu nhập thêm ở các nơi anh cộng tác ngoài công việc chính, anh đều chuyển ngay tắp lự cho vợ để chị thu xếp chuyện nhà.

Còn anh, anh sẽ kiếm tiền tiêu vặt bằng các việc vặt khác. Nhưng anh vẫn muốn chị đi làm, và khuyến khích chị đi làm. Chị không lười, nếu không nói là cực chăm, cực kỹ. Nhưng chị không tin tưởng rằng người giúp việc có thể chăm lo cặn kẽ căn nhà, nấu nướng đúng khẩu vị của chồng con và săn sóc chu đáo lũ trẻ nhỏ.

Nên dù nghe lời anh, chị đi làm nhưng lại vất vả hơn vì vừa phải lo việc ở công sở vừa lo việc gia đình. Khi tôi hỏi chị tại sao lại phải cực thế, chị nói: "Do chị lựa chọn. Anh không có ép. Chị không thuê giúp việc vì chị tin là tự tay mình làm mới sạch sẽ, chỉn chu.

Phần chị cũng muốn con chị có ý thức tự lập và giúp đỡ cha mẹ. Còn đi làm ở công ty, chị thấy anh nói cũng đúng. Anh bảo chị phải đi làm mới có quan hệ xã hội, không bị cùn mòn đi.

Hơn nữa, anh cũng nói chị nên có thu nhập riêng, để dành đó riêng cho chị vì lúc nào cũng nên độc lập thì mới bỏ được cái tự ti là được chồng nuôi". Cả một mớ bòng bong như vậy diễn ra trong tâm trí người phụ nữ này.

Với họ, người chồng là người kiến tạo tự do, nhưng người vợ lại chỉ muốn chấp nhận tự do trong một giới hạn nhỏ hơn và không tự giải phóng mình khỏi vô số trách nhiệm. Nhưng nhìn từ ngoài vào hoàn cảnh của gia đình chị, vẫn thấy đấy là một gia đình êm ấm.

Điều đó khiến tôi nghĩ: "Họ có độc lập, họ có tự do, còn hạnh phúc thì chỉ tự họ mới có thể trả lời. Nếu chúng ta học theo tấm gương của họ, chưa chắc gia đình chúng ta sẽ hạnh phúc".

Như vậy, tự do là một khái niệm rất riêng cho mỗi hoàn cảnh gia đình, bởi ở mỗi hoàn cảnh ấy là những cá thể khác nhau. Khó có thể áp dụng một công thức chung nào cho việc tạo ra một gia đình mà cả vợ lẫn chồng cùng cảm thấy mình còn có một không gian, thời gian tự do đủ để đời sống hôn nhân không khiến họ ngạt thở.

Lựa chọn cách sống cùng với "cai ngục" thế nào cho thoải mái nhất phải từ sự đánh giá đúng và hiểu biết thực sự đối tác của mình.

Còn với những ai chưa cảm thấy mình được tự do trong đời sống hôn nhân, hãy thử tìm hiểu xem bạn đời của mình có cảm giác được tự do hay không. Đừng vội chỉ nhìn vào sự ngộp thở của mình mà sa vào chủ nghĩa ích kỷ.

Và tự do có thể là một bài hát buồn, như khi ta nghe bản Ma Liberte của Serge Reggiani hay Liberta của Albano è Romina, bởi tự trao cho mình tự do quá mức đến nỗi không biết được giới hạn của nó, chính là ta đang bước vào con đường của một kẻ cô độc.

Tự do của vợ, chồng và mạng xã hội

Từ chính gia đình tôi, tôi nhận thấy rằng nếu hai vợ chồng không kết bạn với nhau trên mạng xã hội, tức là không trong một mạng lưới nào đó với nhau, họ sẽ bớt cảm thấy đối tác luôn "ám quẻ" mình hơn.

Thử nghĩ, sáng tỉnh dậy thấy nhau, chiều đi về nhà thấy nhau, gần như cả đời đã thấy nhau, mở máy tính hay điện thoại vào mạng xã hội mà vẫn còn thấy nhau nữa thì sợi dây ràng buộc kia siết chặt quá mức rồi. Chưa kể, nhiều khi chia sẻ vu vơ vô tình của người này lại khiến người kia suy luận lung tung, gia đình lục đục cũng vì lẽ đó.

Bởi hôn nhân đâu phải trò đùa! Bởi hôn nhân đâu phải trò đùa!

TTO - Ly hôn có thể dễ, nhưng những đổ vỡ từ đó có khi nhiều năm tháng sau vẫn chưa thể lành hẳn. Thất bại trong hôn nhân là một tổn thất nặng nề mà "di chứng" của nó đáng sợ hơn người ta tưởng.

TỨ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp