Đề sát chương trình học
Tại điểm thi Trường THCS Phú Thượng, quận Tây Hồ, sau khi hoàn thành môn ngữ văn, thí sinh Lê Công Minh tự tin cho biết đạt trên 7 điểm. "Câu 6,5 điểm sát với chương trình học, học sinh trung bình cũng có thể đạt điểm 5-6 điểm toàn bài thi", Minh nói.
"Khi tác phẩm Những ngôi sao xa xôi lọt vào đề thi, em rất vui vì truyện ngắn sẽ dễ phân tích hơn thơ. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt bài thi ngữ văn, học sinh cũng rất vất vả ôn luyện toàn bộ chương trình học, đề chưa có độ mở để giảm tải gánh nặng ôn tập cho học sinh", thí sinh Nguyễn Diệu Linh, Trường THCS Xuân La, chia sẻ.
Em Phạm Minh Khuê, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình), nhận xét đề thi khá dễ, nghị luận xã hội về làm chủ cảm xúc bản thân khá mở. "Em học lực khá môn văn, với đề này em đạt khoảng 7-8 điểm", Khuê cho biết.
Thí sinh Nguyễn Đức Minh, Trường THCS Nguyễn Trãi, hóm hỉnh: "Hết dịch COVID-19 rồi mà đề vẫn dễ".
Những thí sinh ra sớm ở điểm thi Trường THPT Việt Đức cũng cho biết đề thi có cấu trúc quen thuộc, không khó. Thí sinh Nguyễn Thị Hà tự tin đạt điểm từ 8-8,5.
Một nam thí sinh khác chia sẻ phần nghị luận văn học không khó và tự tin làm tốt. Câu hỏi nghị luận xã hội là dạng câu mở nên chưa rõ đạt điểm tối đa không nhưng "chém được".
"Đề an toàn, không đột phá"
Theo cô Hà Thị Thu Thủy - giáo viên văn Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), đề văn Hà Nội năm nay vẫn an toàn và không có đột phá gì mới so với các năm trước.
"Cấu trúc đề không mới, thậm chí không thay đổi số lượng câu hỏi. Phần liên quan tới tác phẩm văn học, hỏi kiến thức rất cơ bản. Rất ít cơ hội cho học sinh có năng lực văn tốt có thể sáng tạo.
Câu đọc hiểu không hay, có phần trùng ý. Cụ thể câu 1 hỏi về hoàn cảnh sống, công việc của ba nữ thanh niên xung phong, câu 3 yêu cầu viết đoạn văn về tình đồng chí đồng đội của ba nữ thanh niên xung phong (trong đoạn văn học sinh vẫn phải nêu ngắn gọn hoàn cảnh sống, công việc của ba nữ thanh niên xung phong)", cô nói.
Câu hỏi mở ở phần nghị luận xã hội, theo cô Thủy là phần có thể khơi gợi cảm xúc của mỗi học sinh. Nhưng nếu học sinh không nắm chắc các bước viết đoạn văn nghị luận xã hội sẽ dễ rơi vào kể lể, tâm sự cảm xúc bản thân.
Cô Đỗ Thu Hà, giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cũng có chung quan điểm đề thi văn của Hà Nội không mới về cấu trúc, các câu hỏi khá cơ bản, không làm khó thí sinh. Với câu hỏi nghị luận xã hội, cô Thu Hà đánh giá chủ đề hay, gần gũi thiết thực với học sinh và có tính thời sự. Bởi việc "làm chủ cảm xúc bản thân" là vấn đề rất quan trọng đối với học sinh ở độ tuổi 15.
Dự đoán của giáo viên văn ở Hà Nội cho rằng với đề thi này, phổ điểm sẽ cao hơn năm trước, tập trung ở khoảng 7-8 điểm.
Ngữ văn là môn thi đầu tiên kỳ thi lớp 10 công lập năm nay ở Hà Nội. Thí sinh làm bài trong 120 phút, hình thức tự luận.
Năm nay toàn thành phố có 201 điểm thi, với tổng số 4.477 phòng thi phục vụ thí sinh thi vào lớp 10 công lập không chuyên và 402 phòng thi dự phòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận