09/06/2024 07:20 GMT+7

Đề văn lớp 10 Hà Nội tiếp tục 'an toàn', '4 không'

Đề ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội được các giáo viên đánh giá khá 'an toàn', không có gì mới. Ngoại ngữ được đánh giá khó có nhiều điểm 10.

Nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THCS Mễ Trì ra khỏi phòng thi môn văn với tâm trạng hứng khởi, vui vẻ - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THCS Mễ Trì ra khỏi phòng thi môn văn với tâm trạng hứng khởi, vui vẻ - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 8-6, khoảng 106.000 thí sinh đã dự thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm học 2024-2025 với môn văn và ngoại ngữ. Hôm nay 9-6, thí sinh sẽ thi môn toán (buổi sáng) và các môn chuyên (buổi chiều).

Cấu trúc quen thuộc, căn bản

"Không khen, không chê, không lỗi chính tả, không có gì để nói", một nhận xét "4 không" được một số giáo viên Hà Nội bày tỏ sau khi thí sinh Hà Nội thi xong môn ngữ văn. Không chỉ năm nay mà nhiều năm qua, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội không thay đổi, cách đặt câu hỏi trong các phần của đề thi cũng quen thuộc, căn bản.

Cô Thanh Hương, một giáo viên THCS của quận Hai Bà Trưng, cho rằng tiêu chí "an toàn" chắc được đặt lên hàng đầu khi xây dựng đề thi như thế này.

"Hà Nội có số lượng thí sinh rất đông. Gần 40% số này không có cơ hội học trường công lập nên có lẽ những người ra đề đặt mục tiêu an toàn cũng dễ hiểu.

An toàn ở đây là phổ điểm không có biến động mạnh, dẫn tới xáo trộn, khó khăn cho các nhóm trường trong tuyển sinh, không gây dư luận tiêu cực, tranh cãi. Xét cho cùng nếu chỉ nhằm mục tiêu sàng lọc, tuyển sinh thì với đề thi như thế này các trường vẫn có thể tuyển sinh được" - cô Thanh Hương cho biết.

Thầy Nguyễn Phi Hùng - giáo viên ở hệ thống Học Mãi - dự đoán phổ điểm thi môn văn năm nay của Hà Nội có thể là 6,5-7,0 điểm. Đề không gây khó khăn với học sinh. Nhưng một số giáo viên khác lại cho rằng có thể điểm văn sẽ tụt so với năm trước. Lý do không phải vì đề khó, đột phá, mới lạ mà do "lệch tủ".

Cô Thu Phương - giáo viên THCS ở quận Hai Bà Trưng - cho rằng điểm thi của học sinh có thể không cao. Và có khả năng sẽ lặp lại một hiện tượng như từng xảy ra nhiều năm trước. Đó là học sinh có năng lực văn tốt, có tư duy sáng tạo sẽ không có điểm cao. Trong khi những học sinh chăm chỉ, tỉ mỉ, thuộc lòng các bài giảng về tác phẩm trong sách giáo khoa (SGK) thì có khả năng điểm lại vọt lên.

"Không chỉ ra đề an toàn, không đổi mới, đáp án chấm thi của Hà Nội trong nhiều năm qua cũng theo cách đếm ý cho điểm nên thuận lợi hơn cho những học sinh học tỉ mỉ, thậm chí học thuộc lòng văn mẫu. Học sinh của tôi, những em năng lực vừa phải, chăm chỉ thì cho biết làm tốt bài thi. Nhưng một số học sinh cô đặt nhiều hy vọng sẽ bứt lên thì lại không làm tốt", cô Phương nhận xét.

Một trong những lý do khiến nhiều học sinh không làm tốt với một đề thi có phần an toàn như năm nay, cô Phương nhận định: Chắc có ít nhất 1/3 số học sinh Hà Nội không học kỹ bài "Đồng chí" vì không nghĩ là thi. Yếu tố bất ngờ về tác phẩm lại là lý do "rớt điểm" của nhiều học sinh.

Để có đề thi vào lớp 10 "đột phá"

Khi chia sẻ về điều này, cô Thu Phương nhắc đến đề thi vào lớp 10 mới đây của TP.HCM, một đề thi được đông đảo giáo viên Hà Nội khen hay.

"Đề thi của TP.HCM hay. Tôi nhớ vài năm gần đây TP.HCM cũng đều chọn cách ra đề gây bất ngờ với những phá cách về hình thức và đặc biệt là cách hỏi.

Nếu như đề của TP.HCM đưa ra những câu hỏi nhỏ, cụ thể, thiết thực và đời sống hơn thì đề thi nhiều tỉnh và Hà Nội vẫn chưa thoát ra được cách hỏi "đao to búa lớn", ôm đồm tư tưởng lớn, đó chính là cái cũ.

Sự cũ kỹ khiến học sinh chán học văn, học chỉ để đối phó, không thấy có ích, không thấy hấp dẫn", cô Phương chia sẻ.

Cô Thu Hà cho rằng ngành giáo dục Hà Nội nên cởi mở và sáng tạo trong ra đề thi văn. Cái mới thì có thể sẽ có những khó khăn, có thể gây tranh cãi nhưng "cần có một lần thoát khỏi vùng an toàn".

Cô Hà cho rằng không chỉ nên đổi mới cách ra đề mà phải đổi mới trong xây dựng đáp án chấm thi. Vì nếu tình trạng "câu hỏi mở, đáp án đóng" xảy ra thì những thí sinh có quan điểm đi ngược với số đông, với quan điểm của người ra đề sẽ khó có thể lấy điểm - dù thí sinh có lập luận sắc sảo và thuyết phục đến đâu.

"Với phần nghị luận của đề thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm nay, có thể học sinh cũng không dám nói thật. Chỉ khi nào việc dạy học và thi cử khiến học sinh dám nói thật, viết thật thì tôi nghĩ khi đó môn văn mới hay được", cô Thu Hà nói.

Cô Ngọc Anh, giáo viên THCS quận Cầu Giấy, kể về "tai nạn" của chính mình: "Khi tôi dạy học sinh với một số ngữ liệu nằm ngoài SGK, tôi đã bị phụ huynh phản ảnh lên đến hiệu trưởng. Và hiệu trưởng yêu cầu tổ trưởng chuyên môn nhắc nhở tôi cần chú ý, tiếp thu góp ý của phụ huynh.

Cách tôi làm là dạy cho học sinh kỹ năng, năng lực để có thể tiếp cận vấn đề với bất cứ ngữ liệu nào. Nhưng tâm lý bám sát SGK, tâm lý học theo văn mẫu ăn quá sâu và được hậu thuẫn bằng quan điểm ra đề thi cũ kỹ, an toàn".

"Đề thi cần đột phá nhưng nếu những bất cập tôi nêu trên không được thay đổi từ quá trình dạy học, quản lý chuyên môn ở các nhà trường thì học sinh cũng dễ bị sốc khi bước vào kỳ thi lớn với đề thi đổi mới quá mạnh.

Nhưng đây là vấn đề cần đồng thời, chứ không thể nói cái nào nên làm trước, cái nào làm sau. Đề thi chuyển cấp không đổi mới thì dù giáo viên có kêu gào bao nhiêu, học sinh, phụ huynh vẫn chỉ chăm chăm chạy theo văn mẫu mà thôi" - cô Ngọc Anh nhấn mạnh.

Cô Ngọc Anh cho rằng trong tương lai, barem điểm thi của đề thi tuyển sinh lớp 10 nên tăng mức điểm cho phần nghị luận xã hội và tiếng Việt thực hành. Vì đó là phần kiểm tra năng lực, kỹ năng rất cần thiết cho học sinh thời đại hiện nay.

Bất ngờ với tác phẩm "Đồng chí"

Cô Đỗ Thu Hà, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho biết tác phẩm "Đồng chí" mới thi gần đây trong khi có những tác phẩm hay hơn và cũng lâu chưa thi. Đó là lý do khiến nhiều giáo viên, học sinh bị bất ngờ.

Nếu như phần văn học của đề thi gây bất ngờ thì phần nghị luận xã hội của đề thi khiến nhiều giáo viên, học sinh cảm tình hơn vì đề tài gần gũi, có ý nghĩa và cũng là phần mở.

Cô Thu Phương cho rằng phần nghị luận xã hội có chớm tiệm cận với chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018) với các câu hỏi mới hơn so với dạng thông thường mà giáo viên đã ôn tập cho học sinh.

Tiếng Anh: khó kiếm điểm 10

Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn tiếng Anh - Ảnh: NAM TRẦN

Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn tiếng Anh - Ảnh: NAM TRẦN

Một số giáo viên Hà Nội cho rằng với đề thi tiếng Anh năm nay, thí sinh đạt điểm 10 môn ngoại ngữ sẽ giảm bớt nhiều. Tuy cấu trúc đề thi giữ ổn định như các năm nhưng độ khó có nhỉnh hơn.

Trong đề xuất hiện một số dạng câu hỏi mang tính thực tiễn như chủ đề bài đọc về Teentech, dạng chức năng giao tiếp, câu hỏi về biển báo cảnh báo. Dạng bài điền từ cũng theo hình thức mới, không phải là một đoạn văn thông thường như mọi năm mà ngữ liệu là một thông báo về khóa học.

Thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên tiếng Anh - Hệ thống giáo dục HOCMAI, nhận xét: Có lẽ đây cũng là một điểm mới trong đề để chuẩn bị bước sang năm 2025 - năm đầu tiên sẽ thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Gợi ý bài giải 24 mã đề môn tiếng Anh thi lớp 10 Hà NộiGợi ý bài giải 24 mã đề môn tiếng Anh thi lớp 10 Hà Nội

Mời bạn đọc theo dõi bài giải 24 mã đề môn tiếng Anh thi vào lớp 10 Hà Nội. Đề thi năm nay được nói vừa sức thí sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp