05/06/2017 09:35 GMT+7

Dễ vận động khi bận rộn

H.ĐĂNG - T.PHÚC, huydang@tuoitre.com.vn
H.ĐĂNG - T.PHÚC, [email protected]

TTO - Do yếu tố công việc bận rộn, không phải ai cũng có điều kiện để đi bộ hay tập thể thao hàng giờ mỗi ngày. Làm việc nhà, nội trợ, đi chợ mỗi ngày, nhiều người đã vận động rất nhiều mà không biết.

Làm việc nhà, nội trợ, đi chợ mỗi ngày, nhiều người đã vận động rất nhiều mà không biết - Ảnh: Châu Anh
Làm việc nhà, nội trợ, đi chợ mỗi ngày, nhiều người đã vận động rất nhiều mà không biết - Ảnh: Châu Anh

Để vận động cơ thể, mọi người có nhiều cách để quy đổi 10.000 bước chân mỗi ngày.

Đạp xe đạp, bơi lội, làm công việc nội trợ, lau nhà, trồng rau, đi chợ mỗi ngày cũng đều mang giá trị vận động tương đương với đi, chạy bộ.

Dẻo dai nhờ... nội trợ

Suốt cả ngày tẩn mẩn với núi công việc không tên nhưng hiếm bà nội trợ biết rằng đó là “liều thuốc” vô giá cho sức khỏe. Bà Trần Thị Hòa (59 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) có hơn 35 năm làm công việc nội trợ chăm sóc cho cả gia đình gồm 5 người. Người xung quanh thán phục sự dẻo dai của bà với “lịch làm việc” tất bật cả ngày.

Như chiếc đồng hồ hẹn giờ, cứ khoảng 6h sáng bà Hòa đi bộ đến cái chợ nhỏ gần nhà, cả đi lẫn về khoảng 1.300m với tổng cộng khoảng 30 phút cuốc bộ với nhiều lần đứng lên ngồi xuống lựa hàng, ngã giá. Đây là những con số bà Hòa đo được nhờ ứng dụng sức khỏe trên điện thoại.

“Tốn thời gian nhất là khâu bếp núc (rửa rau, nấu cơm, canh, thịt cá, rửa chén bát...). Đó toàn là những công việc không tên nhưng cũng rất mệt bởi phải tập trung hoạt động tay và đi lại liên tục xung quanh gian bếp. Hai ngày một lần, tôi lại lau nhà với diện tích tổng cộng hơn 120m2 và giặt đồ”- bà Hòa kể.

Bà Hòa cho biết: "Làm việc nhà ngoài việc “giết thời gian” cũng giúp tôi vận động rèn luyện rất tốt cho sức khỏe. Sau khi thử đo các hoạt động của mình, mỗi ngày tôi tiêu hao gần 2.100 kcal cho công việc nội trợ”.

Không tập là bệnh

Chị Tiêu Lệ Phương (thợ uốn tóc), một người tập luyện thường xuyên tại một phòng tập thể hình ở quận 7, cho biết từ nhỏ chị đã tập thành thói quen vận động.

“Hầu như tôi không thể bỏ tập luyện trong một tuần được. Từ nhỏ tôi đã chăm chỉ vận động, đi bộ mỗi ngày khi đi học, sau này thì bắt đầu tập thể dục thẩm mỹ, rồi thể hình.

Cũng có những khi không tập, lúc đi chơi hoặc đau bệnh. Nhưng cứ khoảng một tuần nghỉ tập là tôi lại cảm thấy người mình ngột ngạt, mất đi sinh khí làm việc. Ngay cả công việc uốn tóc của tôi dù cũng đứng suốt, hay đi qua đi lại vẫn không thay thế được cảm giác thoải mái sau một buổi tập thể thao mệt nhoài”, chị Phương nói.

Tại phòng tập, chị Phương còn tập thêm cả môn boxing, với lý do đây là môn thể thao giúp chị giảm stress. “Mỗi lần căng thẳng quá độ, tôi lại trút cơn tức vào bao tải trong phòng tập. Cách này nghe có vẻ hơi kỳ nhưng lại rất hiệu quả và là cách tăng vận động cơ thể”, chị Phương nói.

Riêng ông Mã Văn Trạch (cán bộ ngành điện lực) vốn là một người có đam mê rất lớn bên chiếc xe đạp, những chuyến hành trình dài ngày. Nhưng áp lực thời gian của công việc khiến có một khoảng thời gian kéo dài 1 năm trời, ông Trạch “bỏ quên” chiếc xe đạp trong nhà kho. Đó cũng là thời điểm một căn bệnh tâm lý quái ác kéo đến cuộc sống của ông - chứng rối loạn lo âu lan tỏa.

“Sau này khi các bác sĩ chẩn đoán, nguyên nhân bệnh của tôi rất không rõ ràng. Vì công việc, cuộc sống của tôi nói chung đều thuận lợi. Sau khoảng nửa năm chữa bệnh, tôi bắt đầu đi xe đạp đường dài trở lại theo lời khuyên của mọi người. Chứng bệnh tâm lý của tôi từ đó đỡ hẳn”, ông Trạch kể.

Dù đã quá tuổi 50, ngày ngày ông Trạch vẫn bền bỉ, tranh thủ đạp xe khi sinh hoạt. Đến cuối tuần, ông lại tham gia các cuộc đạp xe kéo dài đến cả trăm kilômet. Ông Trạch cho biết tính ra trung bình mỗi ngày ông đều đạp xe khoảng 20-30km. Khi dùng ứng dụng sức khỏe trên điện thoại quy đổi, con số này tương đương với khoảng 8-13km đi bộ.

Đi bộ đúng cách

Tập thể dục bằng phương pháp đi bộ cũng phải đúng cách, đó là phải phân bố trọng lượng đều về cả hai chân, mỗi bước đi đừng quá dồn sức vào một bên sẽ dễ dẫn đến những chứng bệnh xương khớp sau này.

Lưu ý nên đi đường bằng, nếu leo cầu thang quá nhiều dễ bị thoái hóa khớp sau này.

Với những người nội trợ hoặc nhân viên văn phòng không có thời gian nhiều để đi bộ hàng giờ mỗi ngày, vẫn có thể vận động theo các bài tập thể dục tại chỗ.

Những bài tập này thực hiện dưới dạng nhiều lần, mỗi lần chỉ từ 2-3 phút nên có thể vận động trong lúc chờ đợi, nghỉ ngơi khi làm việc.

BS Võ Châu Duyên 

(trưởng đơn vị y học thể thao BV Nguyễn Tri Phương)

Vận động bằng nhiều hình thức

Vận động cơ thể không có nghĩa là chỉ đi bộ. Để đạt 10.000 bước chân mỗi ngày, quãng đường tương đương cho việc đi bộ sẽ vào khoảng 6km trong 60 phút. Có thể tạm quy đổi việc đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày như sau:

1- Bơi lội: tích cực trong 60 phút.

2- Khiêu vũ: điệu nhảy chậm sẽ tương ứng khoảng 90 phút, và điệu nhảy nhanh sẽ tương ứng với 30 phút.

3- Tập yoga: mức quy đổi tương đương sẽ vào khoảng 90 phút.

4- Người nội trợ: thường xuyên làm công việc nhà, thì việc lau nhà có dùng sức hoặc việc hút bụi trong 60 phút, hay quét dọn nhà cửa trong khoảng 90 - 120 phút có thể được quy đổi tương đương.

5- Đối với người thường xuyên chăm sóc hoặc bế bồng trẻ nhỏ: thì việc chơi với trẻ trong khoảng 60 phút cũng sẽ được quy đổi tương đương.

6- Đối với những người làm công việc tắm chó hay dắt chó đi dạo: việc quy đổi tương đương sẽ tương ứng khoảng 60 phút.

7- Chạy bộ: tốc độ chậm khoảng 30 phút...

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh

(phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

H.ĐĂNG - T.PHÚC, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp