Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018 -Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2019 tại TP sẽ không có thay đổi nhiều về phương thức thi. Tuy nhiên, nội dung đề thi thì tiếp tục đổi mới theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Kỳ thi dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 với 3 môn thi là toán, văn, ngoại ngữ (Anh, Pháp, Hoa...). Những học sinh đã học lớp 9 tại các trường THCS trên địa bàn TP đều được đăng ký dự thi, không phân biệt hộ khẩu (ngoại trừ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có tuyển học sinh ở các tỉnh vào các lớp chuyên).
Không cộng điểm nghề
"Điểm mới trong kỳ thi năm nay là thí sinh không được cộng điểm khuyến khích khi có chứng chỉ nghề như những năm trước, kể cả thí sinh được công nhận là học sinh giỏi cấp TP. Riêng học sinh thuộc diện gia đình chính sách thì vẫn được cộng điểm ưu tiên theo quy định" - một lãnh đạo Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP thông tin.
Năm nay, mỗi học sinh sẽ được đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10 thường, 4 nguyện vọng vào lớp 10 chuyên và lớp không chuyên trong trường chuyên. Điểm xét tuyển sẽ là tổng điểm 3 bài thi, bài thi văn và toán hệ số 2, bài thi ngoại ngữ hệ số 1 và điểm ưu tiên (nếu có).
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, mặc dù cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay không thay đổi nhưng nội dung đề thi vẫn ra theo hướng đổi mới với những câu hỏi nhằm kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức đã học của thí sinh vào thực tiễn chứ không có những câu hỏi kiểm tra việc học thuộc lòng. Do đó, cả giáo viên và học sinh lớp 9 đều phải thay đổi cách dạy và học.
Đề thi: có tích hợp nhưng gần gũi với học sinh
"Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018, đề thi môn toán đã được đổi mới mạnh mẽ với các dạng toán thực tiễn, yêu cầu thí sinh phải tư duy, hiểu bài và biết vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề.
Năm nay, cấu trúc đề thi môn toán sẽ giữ nguyên như năm trước, số câu hỏi về toán thực tiễn cũng như vậy. Câu hỏi hình học vẫn là câu dùng để phân loại thí sinh" - ông Hiếu cho hay.
Cũng theo ông Hiếu, đề thi môn tiếng Anh về cơ bản cũng như năm trước mặc dù có tăng cường câu hỏi dạng vận dụng vào thực tế. Trong đề thi môn toán và tiếng Anh nếu có tích hợp, lồng ghép kiến thức của một số môn khác (như sử, địa, hóa, lý...) vào câu hỏi thì cũng là những kiến thức thuộc dạng cơ bản, gần gũi với học sinh.
Ở đề thi môn văn, ThS Trần Tiến Thành - chuyên viên môn văn Sở GD-ĐT TP - chia sẻ cấu trúc đề thi không thay đổi so với năm trước, gồm 3 phần là đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).
Trong đó, câu hỏi của phần đọc hiểu sẽ lấy các văn bản ngoài sách giáo khoa, các câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng.
Có thể là các câu hỏi yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới... và một câu hỏi về kiến thức tiếng Việt.
Ở phần nghị luận xã hội, đề thi sẽ yêu cầu thí sinh viết bài văn khoảng 1 trang giấy thi. Theo ông Thành, phần này đòi hỏi thí sinh vận dụng và phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, các em cũng cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình.
Phần nghị luận văn học sẽ có 2 đề để thí sinh lựa chọn. Đề 1 sẽ là cách hỏi quen thuộc như phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình. Từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng như: liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến. Đề 2 có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
Hạn chế việc đăng ký các trường quá xa nơi ở
Những năm gần đây đã xảy ra trường hợp học sinh có nhà ở các quận trung tâm thành phố nhưng đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 tại các trường THPT ở các quận, huyện vùng ven, ngoại thành cách nhà gần 30km như quận 8, 12, Củ Chi, Hóc Môn... Sau khi đã trúng tuyển vào lớp 10, những em này lại làm hồ sơ xin chuyển trường với lý do đi lại không phù hợp. Thực tế này gây ảnh hưởng đến việc bố trí suất học cho các học sinh khác trên cùng địa bàn.
Năm nay, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị trường học thực hiện hiệu quả công tác tư vấn cho phụ huynh và học sinh lớp 9 trong việc đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, hạn chế tối đa tình trạng học sinh lớp 9 đăng ký vào các trường THPT ở quá xa nơi cư trú.
Cũng từ năm học 2019-2020, sở yêu cầu các trường THPT phải thực hiện nghiêm việc chuyển trường cho học sinh. Học sinh chỉ chuyển trường trong hai trường hợp: học sinh chuyển nơi ở theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ; học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc có lý do thực sự chính đáng để phải chuyển trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận