30/12/2010 04:40 GMT+7

Để trẻ không còn đi lạc...

NGUYỄN LÊ MINH
NGUYỄN LÊ MINH

TT - Một thiết bị giúp tránh trẻ em đi lạc được nhóm sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM sáng tạo xuất phát từ thực tế cuộc sống...

GgBRawuM.jpgPhóng to
Nhóm tác giả ý tưởng (từ trái sang): Phú Đông - Hoa Đăng - Vĩnh Phúc - Ảnh: Lê Minh

Nhà ở gần siêu thị CoopMart Lý Thường Kiệt, hằng ngày vào siêu thị chơi Phú Đông thường nghe tiếng loa báo trẻ lạc. Mỗi lần như thế Đông lại thấy bứt rứt với suy nghĩ làm thế nào để không còn nạn trẻ em đi lạc trong siêu thị, hội chợ...

Tiền đề cho nghiên cứu tiếp theo

Tiến sĩ Trần Minh Triết - phó trưởng bộ môn công nghệ phần mềm, khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên, thành viên ban giám khảo vòng chung kết cuộc thi - cho biết: “Đây là một đề tài được đánh giá cao, dù chỉ mới là ý tưởng nhưng các sinh viên đã tìm kiếm thông tin, nghiên cứu tài liệu nghiêm túc, nắm vững nguyên lý hoạt động của thiết bị để đề xuất ý tưởng và giải pháp hợp lý. Với những kiến thức đã tìm hiểu sẽ tạo tiền đề tốt cho các sinh viên có thể thực hiện thành công sản phẩm này trong nghiên cứu tiếp theo”.

Thiết bị quản lý trẻ nhỏ nơi đông người

Ý tưởng “Thiết bị quản lý trẻ nhỏ nơi đông người” đến với Phú Đông trên chuyến xe buýt từ TP.HCM về Long An, khi kỳ hạn cuộc thi S-Ideas (Ý tưởng sáng tạo sinh viên) đã cận kề.

Đồng cảm với chia sẻ của bạn, Vĩnh Phúc và Hoa Đăng - nhóm bạn năm 3 khoa điện tử viễn thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - đã cùng Phú Đông thực hiện ngay ý tưởng thiết thực này.

Thiết bị được thiết kế dựa trên kỹ thuật RFID (Radio Frequency Identification) - công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng radio. Thiết bị gồm hai phần: đầu đọc RFID được gắn trên người cha mẹ và thẻ điện tử RFID được đeo trên em bé.

Khi thiết bị hoạt động, đầu đọc RFID sẽ liên tục ghi nhận tín hiệu sóng phát ra từ thẻ RFID trên người trẻ. Khi trẻ và cha mẹ cách xa nhau một khoảng cách định sẵn (5m hay 8m tùy cài đặt), thiết bị đọc trên người cha mẹ sẽ phát tiếng bíp hoặc rung, báo động trẻ đã ra khỏi vòng an toàn.

Trong quá trình tìm kiếm, càng đến gần trẻ thiết bị đọc báo động càng mạnh (âm thanh càng lớn hay tiếng rung càng mạnh), giúp cha mẹ tìm được trẻ dễ dàng và nhanh chóng.

Vĩnh Phúc chia sẻ những ưu điểm của thiết bị: “Do kích thước nhỏ gọn, chỉ vài centimet, thẻ RFID có thể đeo trên người trẻ bằng dây chuyền hay lắc tay, còn thiết bị đọc do cha mẹ giữ có thể dùng làm móc khóa hay móc điện thoại rất tiện lợi. Bên cạnh đó, vì mỗi thẻ RFID có mã số nhận diện riêng, cha mẹ có thể mua nhiều thẻ RFID để quản lý nhiều trẻ cùng lúc, chỉ đơn giản nhập mã số thẻ vào danh sách trong thiết bị đọc”.

Phú Đông hào hứng nói về ứng dụng thực tiễn của công trình: “Hiện nay các thiết bị đọc RFID rất phổ biến. Các loại điện thoại có đầu đọc RFID cũng xuất hiện từ lâu... Tích hợp tính năng quản lý trẻ vào điện thoại, trong tương lai cha mẹ chỉ cần mua thẻ RFID cho trẻ, nâng cấp phần cứng RFID trong điện thoại cho phù hợp là đã có một thiết bị đầy đủ tính năng. Khi trẻ đi lạc điện thoại sẽ báo ngay cho cha mẹ biết”.

Nhóm bạn quyết định thiết kế hai dòng sản phẩm, loại thẻ RFID thụ động hoạt động nhờ năng lượng sóng điện từ của thiết bị đọc RFID, tầm hoạt động ngắn, phát tín hiệu ở bán kính tối đa 35m. Loại thẻ RFID tích cực, có trang bị pin riêng, tích hợp thêm chức năng đo thân nhiệt và nhịp tim của trẻ, có thể phát tín hiệu ở bán kính tối đa 300m. Chi phí dao động khoảng 500.000-800.000 đồng/bộ sản phẩm tùy loại thẻ.

“Đó là chi phí làm ra một sản phẩm thủ công. Nếu đầu tư sản xuất hàng loạt, giá thành sẽ giảm, hoàn toàn phù hợp với túi tiền của người dân Việt Nam” - Hoa Đăng, thành viên nữ duy nhất của nhóm, mơ ước.

Mong đừng có những cuộc chia ly

Công nghệ RFID xuất hiện từ 50 năm trước đây, đã được ứng dụng trên thế giới và ở Việt Nam trong quản lý ôtô, xe máy tại các trạm thu phí giao thông. Tuy nhiên, ý tưởng ứng dụng RFID và các công nghệ khác vào việc quản lý trẻ ở Việt Nam vẫn còn là vấn đề mới lạ, do đó nhóm gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu tài liệu nghiên cứu. Dù vậy, suốt quá trình làm đề tài Đông và các bạn luôn động viên nhau vì ý nghĩa nhân văn của sản phẩm. Đông tâm sự: “Hồi nhỏ mình cũng một lần lạc chị trong chợ, May sao sau đó hai chị em tìm thấy nhau. Bây giờ nghĩ lại, nếu có thiết bị này thì hay biết mấy”.

Thiết bị hữu ích này đã được đánh giá cao tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo sinh viên S-Ideas lần 3-2010 do Đoàn Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM tổ chức với giải 3 chung cuộc. Thừa thắng xông lên, tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo sinh viên ĐHQG TP.HCM lần 1-2010, vượt qua 128 đề tài cùng dự thi, ý tưởng “Thiết bị quản lý trẻ nhỏ nơi đông người” đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi.

Phút giây lắng đọng sau niềm vui chiến thắng vỡ òa, Phú Đông chia sẻ mơ ước: “Mỗi lần xem chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly trên tivi là mình lại thấy đau lòng. Nhiều khi chỉ trong tích tắc, bố mẹ và con cái đã phải chia lìa. Chúng mình hi vọng sẽ sớm tìm được nhà tài trợ để thiết bị quản lý trẻ này sớm đi vào ứng dụng, để xã hội không còn những cuộc chia ly...”.

NGUYỄN LÊ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp