Nên để trẻ đọc những gì chúng thích, người lớn chỉ cần chỉnh sửa những góc nhìn sai lệch. Trong ảnh: bé Thảo Vy (6 tuổi, Q.7, TP.HCM) đọc truyện tranh Sọ Dừa - Ảnh: Quang Định |
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) chia sẻ một số kinh nghiệm từ thực tế giúp con trẻ tìm thấy niềm vui qua trang sách.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Không nên áp đặt hay cấm đoán
Tâm lý muốn con cái làm như những gì cha mẹ đã thử và thấy thành công rất phổ biến. Nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn hoặc cho con trẻ đọc những gì mà mình nghĩ là bổ ích mà lại quên rằng hầu hết mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều thích đọc những thứ mang tính giải trí (thậm chí giật gân) và việc đọc những quyển sách, thông tin bồi bổ kiến thức thường rất thách thức.
Chúng ta cần nhìn lại để nhớ rằng những gì mình thích hoặc tin rằng mình giỏi thì bản thân sẽ học hay làm một cách say mê và kết quả thường rất tốt và ngược lại. Con trẻ cũng vậy. Do vậy, chúng ta không thể cấm đoán hay bắt ép trẻ đọc mà chỉ có thể khuyến khích, động viên, chỉ dẫn một cách khéo léo để trẻ say mê việc đọc với nhiều loại sách bổ ích hơn.
Triết gia Socrates đã phát hiện ra rằng: “Tôi không thể dạy bất kỳ ai học bất cứ điều gì, tôi chỉ có thể làm cho họ tư duy”. Vì thế không nên ép buộc con trẻ theo ý bố mẹ mà nên để trẻ tự khám phá thế giới quanh mình thông qua sự kích thích của người lớn.
Giúp con trẻ tìm hiểu những gì chúng đang quan tâm
“Cùng xây tủ sách thông minh” (thuộc dự án “Thư viện thông minh Samsung”) là chương trình do báo Tuổi Trẻ và Samsung VN phối hợp tổ chức.
Chương trình hướng tới việc hỗ trợ các bậc phụ huynh cách tiếp cận, hướng dẫn, khuyến khích tình yêu đọc sách ở trẻ em. Cùng với cha mẹ, “Tủ sách thông minh” sẽ là người thầy, người định hướng tương lai cho các em ngay từ khi còn nhỏ. Các bậc phụ huynh muốn chia sẻ những câu chuyện liên quan đến việc đọc sách của con có thể gửi email về: [email protected]. |
Con trẻ luôn chỉ làm điều gì đó một cách say mê khi chúng thấy điều đó cần thiết hoặc gây cảm hứng.
Con trẻ có nhu cầu chuyện trò và “khoe” với chúng bạn quanh những câu chuyện mang tính thời sự (trong thế giới của chúng).
Nếu sẵn có những quyển sách hay thông tin liên quan thì chúng sẽ đọc và tìm hiểu.
Vì vậy, cha mẹ nên tìm hiểu những câu chuyện hằng ngày của con ở trường hay những sự kiện mà trẻ con ưa thích để hình dung sự quan tâm của trẻ, từ đó đưa ra những gợi ý cần thiết.
Việc này không quá tầm tay trong thời đại Internet đang phát triển như hiện nay với vốn kiến thức công nghệ căn bản là đủ.
Chẳng hạn như khi bộ phim Frozen (Nữ hoàng băng giá) “gây sốt” khắp nơi thì cha mẹ có thể tìm hiểu để chọn ra những quyển sách liên quan và đọc cùng con, từ đó lồng ghép vào những nội dung bổ ích và giới thiệu những đầu sách có nội dung tương tự.
Lúc này trẻ có thêm thông tin và kiến thức để nói chuyện với bạn với bè thì lại càng cảm thấy hứng thú không chỉ trong việc đọc sách mà còn khám phá thế giới xung quanh.
Tư duy độc lập rất quan trọng
Thuyết tiến hóa của nhà nghiên cứu người Anh Charles Darwin (1809-1882) dựa trên nền tảng cạnh tranh và sinh tồn đúng cho hầu hết các tình huống trong xã hội. Trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng được tạo hóa đặt trong rất nhiều “cuộc đua” và ai cũng muốn giành phần thắng.
Vì thế nên để con trẻ tham gia những “cuộc đua” một cách chủ động và thoải mái nhất thay vì chỉ xem chúng là đối tượng để chỉ bảo hay chỉ được “dựa cột mà nghe”. Lúc này, nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh của trẻ phát sinh và con trẻ sẽ có động cơ và sự tập trung rất lớn.
Chúng ta cũng cần tôn trọng, lắng nghe những quan điểm riêng của con sau khi đọc xong một cuốn sách nào đó.
Trong trường hợp góc nhìn của con có gì đó sai lệch theo cách nhìn của chúng ta thì hãy cứ lắng nghe và chỉnh sửa dần dần để tránh việc trẻ thấy tự ti hoặc nản lòng. Hãy để cho con trẻ được tư duy độc lập và làm những gì chúng thích.
Những việc cần làm
Con gái tôi bước vào giai đoạn tập đọc, tập viết... khi cả gia đình tôi đang ở trên đất Mỹ, nơi tôi học tập và nghiên cứu. Những tương tác quanh các dãy thư viện thành phố Cambridge (nơi có những ngôi trường danh tiếng như Harvard, MIT...) và các buổi trò chuyện cùng bạn bè đến từ nhiều quốc gia... giúp tôi ngộ ra những triết lý hết sức căn bản trong việc tạo hứng khởi đọc nói riêng, học hay nhìn nhận thế giới nói chung cho con trẻ, có thể chia sẻ:
1. Cho trẻ tiếp xúc với sách từ sớm.
2. Ðể sách ở những nơi dễ thấy trong nhà để trẻ có thể tiếp xúc với sách bất cứ khi nào cần.
3. Khi trẻ đã lớn, hãy biến việc đọc sách thành một hoạt động thường ngày bằng cách khuyến khích những mục tiêu như năm trang sách mỗi ngày hay một cuốn sách nhỏ mỗi tuần.
4. Trò chuyện với trẻ về các nhân vật trong cuốn sách và hỏi những câu hỏi nhằm giúp trẻ hiểu được nội dung cuốn sách cũng như mở rộng tư duy, óc sáng tạo (quyển sách này nói về cái gì, có những nhân vật nào, những nhân vật đó như thế nào?...).
5. Tạo một thư viện nhỏ và góc đọc sách tại gia và cho phép trẻ chọn sách trẻ thích để đóng góp vào thư viện này.
6. Khuyến khích trẻ trao đổi sách cùng với bạn bè.
7. Khi trẻ đang đọc một quyển sách, cho trẻ xem những phim liên quan đến các nhân vật trong quyển sách.
8. Theo dõi quá trình đọc sách của trẻ để kịp thời góp vào thư viện nhỏ những sách ở trình độ cao hơn.
9. Tận dụng tối đa Internet.
Và hãy luôn nhớ một điều: để con trẻ có thói quen đọc sách, nhất là những loại sách bổ ích, thì cha mẹ cần phải có thói quen trước!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận