Bé An Khang trong tập 3 Thách thức danh hài mùa hai - Ảnh: BTC |
Trên đây là một trong những nội dung của bạn đọc Khánh Hưng gửi đến Tuổi Trẻ Online để tham gia diễn đàn bạn đọc làm báo. Nhằm góp thêm một góc nhìn khác về trào lưu nhà nhà người người tham gia các cuộc thi trên truyền hình, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này.
"Hôm trước, tôi có xem chương trình Thách thức danh hài - một chương trình đang làm mưa làm gió và được khá đông khán giả yêu thích. Bản thân tôi cũng yêu thích chương trình này vì nó mang tính chất giải trí cao, tiếng cười mang lại cũng đa dạng vì người tham gia đến từ nhiều nơi, nhiều ngành nghề.
Nhưng đến khi xuất hiện hai em nhỏ 4 tuổi lên bắt chước làm hài thì tôi thấy chương trình đi quá giới hạn.
Đầu tiên là hình ảnh cậu bé mang tên dễ thương, khán giả biết đến cậu bé này rất nhiều vì cậu nổi tiếng hát hay, đối đáp dễ thương trong nhiều clip trước đó. Trên sân khấu Thách thức danh hài, cậu bé cũng thu hút được sự đồng cảm của các khán giả bởi sự dễ thương cho đến lúc cậu bé hát “nghe nói Việt Hương hôi lắm” để gây cười. Rõ ràng đây không phải là điều mà Ku Tin đã nghĩ ra mà là một kịch bản được viết sẵn có thể từ phụ huynh hoặc chương trình.
"Trẻ em có lẽ không cần một cuộc thi nào để giành giải thưởng kiểu như thế. Và không nên để trẻ bắt chước những kiểu cười vui của người lớn. Có thể với những người trưởng thành xem “chửi nhau” để cười là điều bình thường, nhưng với trẻ em thì không nên"! |
KHÁNH HƯNG |
Rồi tiếp tục một “hiện tượng” bắt chước khác là cậu bé 4 tuổi lên sân khấu diễn lại các vở diễn của danh hài. Và sự dễ thương, trong sáng lại bị che lấp bởi màn bắt chước danh hài Trấn Thành nói giọng như chửi: “Mày đừng có nói, tao táng mày đó nghe”, “Hướng này nhà tôi mẹ”,…
Đây đích thị là kiểu chọc cười mà khán giả (người lớn) đang rất thích, kiểu mà trên truyền hình xuất hiện nhan nhản. Có thể người lớn diễn cho người lớn xem là điều bình thường, nhưng để một em bé 4 tuổi bắt chước thì có nên không?
Bé An Khang tại "chung kết" Thách thức danh hài mùa 2 - Nguồn: YouTube |
Người lớn đang cười gì? Hoặc là giả gái, giả “3D”, hoặc lên giọng chửi xối xả để mang lại tiếng cười. Những điều này trẻ em có nên xem và làm theo không? Tôi nghĩ là không.
Sao không giới hạn độ tuổi dự thi? Đây là chương trình dành cho người lớn sao để các em lên thi thố, lên bắt chước kiểu hài “khó đỡ” này?
Về phía nhà đài làm nên rất nhiều chương trình cho trẻ em tham gia, sân chơi đúng nghĩa thì ít mà mang tính thi thố hơn thua thì nhiều. Nào là The Voice Kids, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Đồ Rê Mí và nay là Thách thức danh hài cũng cho trẻ em 3, 4 tuổi lên thi. Và về phía phụ huynh cũng lao theo xu thế đẩy con mình lên sân khấu.
Sân chơi giải trí mà nặng tính hơn thua, đỗ trượt, được chọn, bị loại với trẻ em có lẽ là điều chưa nên. Ở trường, các em đã chịu áp lực học hành, áp lực lớp chọn trường chuyên, nay lại gánh thêm áp lực “nổi tiếng” từ chính khát khao của cha mẹ.
Các em tham gia những chương trình ấy ắt hẳn có tài năng nghệ thuật, nhưng cuộc chơi mang nặng tính chất người lớn và xây nên những danh hão có khi làm thui chột tài năng như thế!
Trẻ em có lẽ không cần một cuộc thi nào để giành giải thưởng kiểu như thế. Và không nên để trẻ bắt chước những kiểu cười vui của người lớn. Có thể với những người trưởng thành xem “chửi nhau” để cười là điều bình thường, nhưng với trẻ em thì không nên!".
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bạn có đồng ý với những chương trình giải trí dành cho người lớn nên hạn chế để các em lên thi thố, bằng cách giới hạn độ tuổi người dự thi? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần bình luận dưới bài viết hoặc gửi về địa chỉ [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận