- Nếu người thực hiện đặt vòng có kinh nghiệm, làm đúng kỹ thuật và tuân thủ các nguyên tắc chuyên môn thì không có tai biến xảy ra. Về nguyên tắc chuyên môn, các dụng cụ liên quan đến việc thăm khám, đặt vòng tránh thai phải đảm bảo vệ sinh vô trùng; động tác đặt đúng kỹ thuật; phải đặt vòng khi đang “có tháng”; trước khi đặt vòng, chị em phải được bác sĩ khám phụ khoa...
Theo bác sĩ Phương Mai, nếu không khám phụ khoa trước khi đặt vòng mà chị em đang có bệnh lý viêm, nhiễm thì thủ thuật đặt vòng sẽ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập sâu bên trong, gây nhiễm trùng vùng chậu, gây viêm dính vòi trứng, dẫn đến vô sinh sau này.
Nếu đặt vòng không đúng kỹ thuật, quá mạnh tay, không lường trước được tư thế và kích thước tử cung (tử cung nhỏ quá mà vẫn cố đặt vòng) sẽ dẫn đến hai tình huống: vòng sụt xuống thấp, đặt không đúng vị trí dẫn đến “vỡ kế hoạch”; vòng đâm thủng cơ tử cung rồi rơi ngay vào ổ bụng, hoặc sau vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm sau mới từ từ chui vào ổ bụng. Cần chú ý thêm với những người mới sinh, cơ tử cung mềm, nhão; hoặc tử cung có vết sẹo cũ do sinh mổ thì người thực hiện đặt vòng phải là bác sĩ có kinh nghiệm.
Trường hợp bị nhiễm trùng sau đặt vòng, chị em sẽ thấy đau bụng âm ỉ, huyết dịch hôi. Nếu thủng tử cung ngay sau đặt vòng sẽ thấy đau bụng và xuất huyết nhiều. Cả hai trường hợp này cần đến bệnh viện khám, điều trị ngay. Trường hợp vòng bị sụt, đặt không đúng vị trí mà có thai thì dụng cụ tử cung thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe em bé vì vòng nằm ngoài túi thai. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp khi thai lớn, vòng có thể sẽ chạm vào túi ối, gây vỡ ối sớm, sinh non hoặc sẩy thai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận