24/06/2008 06:12 GMT+7

Để tránh chuyện tạm giam vô thời hạn

NGUYỄN TIẾN TÀI
NGUYỄN TIẾN TÀI

TT - Có quá nhiều bài học đau thương xung quanh vụ anh Nguyễn Minh Hùng, một nghi can liên quan đến tội vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy ở Tây Ninh, mới đây được trả tự do sau hai lần nhận án tử hình và chịu 5 năm 11 ngày bị tạm giam!

FcDShXLt.jpgPhóng to

Các bị cáo trước phiên tòa ngày 5-8-2004. Bà Nguyễn Thị Lâm (không mặc áo tù) là mẹ của tất cả bị cáo khác và được coi là bị cáo đứng đầu vụ án “vườn điều” bị viện kiểm sát đề nghị 8-10 năm tù. Ngày 20-1-2006, tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận), Viện Kiểm sát nhân dân, công an và Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi xin lỗi công khai gia đình bà Nguyễn Thị Lâm - ngoài bà Lâm còn có bảy người khác trong gia đình bị kết án oan là: Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Văn Tiền, Trần Văn Sáng, Trần Thanh Vân, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Thị Cẩm. Đây là vụ án hình sự kéo dài 12 năm và sau nhiều lần xét xử, bà Lâm đã được trả tự do sau bảy năm bị giam giữ. Ảnh: T.GIÁN

TT - Có quá nhiều bài học đau thương xung quanh vụ anh Nguyễn Minh Hùng, một nghi can liên quan đến tội vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy ở Tây Ninh, mới đây được trả tự do sau hai lần nhận án tử hình và chịu 5 năm 11 ngày bị tạm giam!

Thời hạn tạm giam được pháp luật qui định rõ ràng.Thế nhưng đối với những trường hợp án bị điều tra, xét xử kéo dài, "thời hạn tạm giam" hầu như không còn ý nghĩa.

Anh Nguyễn Minh Hùng bị bắt tạm giam lúc anh mới tròn 27 tuổi. Phải sau bốn lần xét xử, trong đó hai lần bị cấp sơ thẩm tuyên án tử hình, hai lần tòa cấp phúc thẩm yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại, đến ngày 13-6-2008 anh mới được trả tự do bằng quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Lúc Hùng bị bắt, vợ anh mới mang thai và khi trở về sau hơn năm năm cách biệt anh mới nhìn thấy mặt con.

"Tạm" nhưng kéo dài

Điều đáng nói là trên thực tế những trường hợp tương tự không phải ít. Trong vụ án "vườn điều" nổi tiếng, bà Nguyễn Thị Lâm đã bị giam oan bảy năm trời; chị Nguyễn Thị Tiến, con ruột bà Lâm, bị giam năm năm... Bà Phạm Thị Út, người được tuyên vô tội trong kỳ án đốt nhà, theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, bị giam ít nhất sáu năm. Nhiều bị cáo, bị can trong các vụ án có vấn đề về chứng cứ hiện cũng đang bị tạm giam mòn mỏi hết năm này qua năm khác để chờ điều tra, xét xử lại, như bị cáo Lê Bá Mai trong vụ án "vườn mít" ở Bình Phước đến nay đã bị tạm giam bốn năm; bị cáo Trương Kim Hoàn trong vụ mua bán chất ma túy trái phép ở TP.HCM cũng đã bị tạm giam bốn năm...

Rõ ràng biện pháp tạm giam trong những vụ án nói trên thực tế không còn là tạm nữa mà gần như trở nên vô thời hạn, không có một điểm dừng thống nhất.

Những trường hợp được tại ngoại

Trong vụ án oan "xuyên thế kỷ”, ông Nguyễn Đình Chiến, người bị oan sai, mặc dù bị truy tố tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ bị tạm giam 28 ngày. Phần lớn thời gian gần 10 năm còn lại trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử ông Chiến được tại ngoại. Nhờ vậy, ông Chiến có điều kiện kiếm tiền để trả nợ ngân hàng hàng chục tỉ đồng, có điều kiện tìm tài liệu, chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình.

Hoặc trong vụ án Tăng Minh Phụng cách đây 10 năm, bị can, bị cáo Trần Thị Thương, vợ của Tăng Minh Phụng, cũng đã được tại ngoại trong thời gian điều tra, truy tố và chờ xét xử với mục đích tạo điều kiện để bà Thương tiếp tục quản lý, điều hành, không để cho Công ty may Minh Phụng sụp đổ.

Để soi xét, chúng tôi thấy nổi lên hai vấn đề. Một là việc áp dụng pháp luật về tố tụng hình sự của các cơ quan thực thi. Theo điều 88, Bộ luật tố tụng hình sự, tạm giam không hề là biện pháp bắt buộc. Điều luật này qui định rất rõ tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự qui định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Như vậy, pháp luật đã mở ra khả năng để các cơ quan tố tụng linh hoạt, tùy nghi áp dụng hay không áp dụng biện pháp tạm giam. Việc áp dụng ấy, do đó trên hết tùy thuộc rất lớn vào sự cân nhắc cũng như cái tâm của các cán bộ tiến hành tố tụng thấu hiểu nỗi thống khổ "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" của bị can, bị cáo - những người chưa bị xem là có tội.

Vấn đề tiếp theo là về lý thuyết, theo qui định của Bộ luật tố tụng hình sự, để hoàn thành một qui trình từ khi điều tra, truy tố đến lúc xét xử sơ thẩm thì bị can, bị cáo có thể bị tạm giam tối đa từ 363 ngày đến 1.008 ngày tùy mức độ phạm tội (xem biểu đồ). Thế nhưng, chừng đó vẫn chưa xong.

Trong các vụ án còn lấn cấn về chứng cứ, nếu bị cáo kháng cáo và may mắn được cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại thì qui trình nói trên lại trở về điểm xuất phát ban đầu. Điều đáng nói là trong trường hợp này, luật không hề qui định cụ thể được hủy án để điều tra lại bao nhiêu lần, mặc dù biết rằng qui trình ấy vẫn phải tuân theo thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính vì điểm này mà thời hạn tạm giam có thể bị kéo dài vô thời hạn do bị cáo phải chờ điều tra, xét xử lại.

Trả giá cho sai lầm của... người khác

Trong vụ Nguyễn Minh Hùng, kể từ phiên tòa phúc thẩm lần nhất bị cáo này đã mất hai năm tạm giam để chờ điều tra, xét xử lại và kể từ phiên tòa phúc thẩm lần hai, phải mất thêm một năm hai tháng nữa để điều tra lại, sau cùng anh Hùng mới được trả tự do vì không đủ chứng cứ buộc tội.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, người bào chữa cho anh Hùng, bức xúc nói rằng việc trả tự do cho anh Hùng là quá chậm mặc dù chứng cứ ngoại phạm và sự thật đã được phơi bày quá rõ ràng. Thế nhưng, theo chúng tôi, ngay cả khi chưa thể trả tự do, với tình trạng chứng cứ như thế, thời gian tố tụng đã kéo dài như thế, vì sao không cho phép anh Hùng tại ngoại? Vì sao anh Hùng, bà Út, bà Lâm và nhiều người khác trong các vụ án tương tự phải chịu tạm giam một thời gian dài như vậy để trả giá cho những sai lầm của các cơ quan tố tụng?

Qua những việc này, rõ ràng cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng hình sự. Một người phạm tội sau năm năm (đối với tội ít nghiêm trọng), 10 năm (tội nghiêm trọng) hay 15 năm (tội rất nghiêm trọng) nếu không bị phát hiện thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nghĩa là pháp luật còn dành cho họ điểm dừng nhất định. Vậy thì không lý gì mà những bị can, bị cáo, đặc biệt là trong các trường hợp chứng cứ chưa vững chắc lại có thể bị tạm giam kéo dài, thậm chí tạm giam vô thời hạn?

Các cột mốc thời gian vụ án Nguyễn Minh Hùng

* Ngày 2-6-2003, Nguyễn Minh Hùng bị khởi tố bắt tạm giam về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Sau đó, cơ quan điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố thêm đối với Hùng về tội buôn lậu.

* Năm 2004, án sơ thẩm lần thứ nhất của TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt Hùng 2 năm về tội buôn lậu và tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tổng cộng hình phạt chung là tử hình.

* Tháng 7-2004, Tòa phúc thẩm TANDTC đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại do Hùng kháng cáo kêu oan (đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy).

* Năm 2006, án sơ thẩm lần hai của TAND tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên án tử hình đối với Nguyễn Minh Hùng.

* Năm 2007, Tòa phúc thẩm TANDTC tiếp tục hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

* Do sau hơn 14 tháng điều tra lại vẫn không bổ sung được chứng cứ, ngày 11-6-2008 cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã đình chỉ điều tra, và ngày 13-6-2008 Viện KSND tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Minh Hùng.

Vòng xoay của thời hạn tạm giam (Theo Bộ luật tố tụng hình sự)

Mức độ tội phạm<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Thời gian

tạm giam trong

các giai đoạn tố tụng (ngày)

Ít nghiêm trọng

(có khung hình phạt từ 3 năm tù trở xuống)

Nghiêm trọng (có khung hình phạt mức cao nhất đến 7 năm tù)

Rất nghiêm trọng (có khung hình phạt mức cao nhất đến 15 năm tù)

Đặc biệt nghiêm trọng

(mức cao nhất của khung hình phạt là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình)

Thời hạn điều tra

60

90

120

120

Gia hạn điều tra

30

90

150

480

Thời hạn truy tố

20

20

30

30

Gia hạn truy tố

10

15

30

30

Trả hồ sơ điều tra bổ sung

120

120

120

120

Gửi hồ sơ cho tòa án

3

3

3

3

Tòa án chuẩn bị xét xử

30

45

60

120

Gia hạn chuẩn bị xét xử

15

15

30

30

Trả hồ sơ điều tra bổ sung

60

60

60

60

Ra quyết định xét xử

15

15

15

15

Tổng cộng

363

473

618

1.008

Điều tra, xét xử lại

Quay trở lại từ đầu

NGUYỄN TIẾN TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp