29/05/2015 11:16 GMT+7

Để tiếp cận hơn với công lý

ĐỖ ĐỨC VĨNH (kiểm sát viên cao cấp) - HOÀNG ĐIỆP ghi
ĐỖ ĐỨC VĨNH (kiểm sát viên cao cấp) - HOÀNG ĐIỆP ghi

TT - Quyền im lặng là cần thiết, vì nghi can nghi phạm cần có luật sư để được trình bày một cách trung thực, rõ ràng những câu trả lời của họ với cơ quan điều tra.

Quyền im lặng của bị can bị cáo, việc ghi âm ghi hình trong quá trình điều tra thật ra không chỉ để bảo vệ quyền đương nhiên của nghi can, bị can được quy định trong Hiến pháp 2013, mà nó còn giúp các cơ quan tố tụng được minh bạch thông tin để tiếp cận hơn với công lý.

Thực tế, khi tham gia hoạt động tố tụng với vai trò công tố viên tại các phiên tòa, tôi chứng kiến không ít bị cáo “phản cung” rằng mình không khai như hồ sơ. Khi ấy, tòa đưa ra bằng chứng là bị cáo đã ký vào bản cung thì bị cáo nói rằng không hiểu điều tra viên đã viết gì, vì giữa sự hiểu của điều tra viên với những lời khai của bị cáo là có sự khác nhau dẫn đến tình trạng bị can khai một đằng, điều tra viên viết một nẻo. Ngoài ra, có thể do những nguyên nhân khác dẫn đến việc bản cung được viết xong, nhưng ra tòa bị cáo nói không khai như vậy.

Hoạt động tố tụng hiện nay cần nhất là tính minh bạch, công khai và tiếp cận công lý gần với sự thật để chứng minh tội phạm. Nếu bị can, bị cáo không đồng ý với bản cung do điều tra viên ghi sai thì có ghi âm để chứng minh sai chỗ nào.

Khi gặp những tình huống bị “phản cung” như vậy, bản ghi âm, ghi hình chính là bằng chứng chứng minh cho lời khai của nghi can là có hay không có.

Vậy tại sao lại ngại ghi âm ghi hình? Theo tôi, có thể có sự lạm quyền trong hoạt động của các cơ quan tố tụng. Tỉ lệ oan sai thì không thể không có, ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng vẫn có tình trạng oan sai. Nhưng mục đích chính của nhà làm luật là để phòng ngừa, bởi vậy càng làm cẩn thận bao nhiêu thì các cơ quan tố tụng càng khó lạm quyền và các sơ suất trong quá trình hoạt động nghiệp vụ sẽ càng ít.

Tương tự với việc đảm bảo ghi âm và ghi hình thì quyền im lặng của nghi can, nghi phạm được thực hiện từ khi bị bắt giữ cho đến khi có mặt luật sư, để đảm bảo quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp.

Bởi vậy, quyền im lặng là cần thiết, vì nghi can nghi phạm cần có luật sư để được trình bày một cách trung thực, rõ ràng những câu trả lời của họ với cơ quan điều tra. Còn việc chứng minh tội phạm thì cơ quan điều tra phải dùng phương pháp nghiệp vụ để đấu tranh chứ cơ quan điều tra không chỉ bắt người ta phải khai.

Một xã hội phát triển cần phải bắt kịp với xu thế chung, một bộ luật ra đời tồn tại nhiều năm. Dân trí phát triển, kinh tế phát triển, khoa học công nghệ phát triển thì mọi mặt trong đời sống cũng phải phát triển đồng bộ.

ĐỖ ĐỨC VĨNH (kiểm sát viên cao cấp) - HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp