11/02/2014 01:50 GMT+7

Để thoát cảnh "trồng mù, bán mù"

MAI VINH
MAI VINH

TT - Những thông tin buồn từ các làng hoa, vùng hoa nổi tiếng của Đà Lạt, các tỉnh miền Tây Nam bộ sau mỗi dịp tết lại làm nhói lòng người. Với nhiều người nông dân, mùa xuân đã chấm dứt ngay trước thời khắc giao thừa!

Chuyện như đã thành quen, sau tết tại thủ phủ hoa Đà Lạt lại đón những chuyến xe chở hoa trả về từ các vựa hoa ở TP.HCM, Hà Nội. Người nông dân lại ra đồng đón năm mới trong tâm trạng buồn bã và tâm thế gượng dậy bởi gần như họ đã dồn toàn lực cho vụ hoa tết. Người trồng hoa đã thấm đòn thua lỗ nhưng có vẻ vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao?

Những chuyên gia đang làm cho các công ty sản xuất hoa lớn tại Đà Lạt chỉ ra rằng nông dân đã đánh cược với vụ hoa tết, trong khi đó họ hoàn toàn mù mờ về thị trường, thị hiếu và sự chuyển động trong công nghệ sản xuất hoa. Trong khi thị trường năm nay chuộng hoa chậu, hoa mới và giá vừa với túi tiền trong thời buổi khó khăn, thì họ vẫn ào ạt sản xuất hoa cắt cành và những chậu địa lan to lớn, đắt tiền. Buồn khi nhìn nông dân nén lòng ôm những bó hoa layơn sang tặng hàng xóm cho bò ăn và buồn khi những chậu địa lan giá hơn chục triệu đồng giờ phải cắt cành bán với giá chỉ còn bằng 1/20 vào dịp trước tết. Nghe những chuyên gia trong ngành sản xuất hoa phân tích những thông tin về thị trường dựa trên dân số, mức sống, hình thức sinh hoạt, quan niệm về lễ tết và các khảo sát trực tiếp người tiêu dùng để từ đó xác định thị hiếu tiêu dùng làm cơ sở đề ra kế hoạch sản xuất, nhập giống cũng như lựa chọn công nghệ áp dụng thì hiểu được tại sao các công ty sản xuất hoa có đầu tư bài bản thắng lớn, ngược lại với phần lớn nông dân làm theo truyền thống, thói quen.

Người phụ trách kế hoạch sản xuất của Công ty TNHH Rừng Hoa Đà Lạt cho biết cứ tháng sáu hằng năm thì công ty lại đưa nhân viên sang châu Âu để... làm nông. Từ đó học tập công nghệ, quyết định những giống mới cần nhập thử nghiệm và sản xuất thăm dò thị hiếu người tiêu dùng ngay trong dịp tết. Sau tết coi như thị trường đã được thăm dò xong và họ đã biết nên làm gì với ba vụ hoa còn lại của năm.

Trong khi đó, trong tay những nông dân làm theo truyền thống đa số không đủ kiến thức, thậm chí không hiểu thị trường là gì. Bởi vậy mới có cụm từ thật chua xót: trồng mù, bán mù!

Làm thế nào để nông dân hết “trồng mù, bán mù”? Cùng với nỗ lực tự thân của người nông dân, cần sự có mặt tích cực hiệu quả của các cơ quan chức năng của Nhà nước trong việc tìm hiểu thị trường, giới thiệu xu hướng tiêu dùng... Tại Đà Lạt, từng có rất nhiều hội thảo hỗ trợ nông dân về vốn đầu tư, cây giống, nhưng vẫn chưa đủ khi những thông tin thị trường quan trọng vẫn còn ở xa quá với nông dân. Ông Trần Huy Đường, chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, xót xa nói sau nhiều vụ hoa tết thất bại: “Cơ quan quản lý sản xuất nông nghiệp hãy giúp nông dân thông tin thị trường được nghiên cứu một cách đàng hoàng cả trong và ngoài nước. Chỉ cần biết thị trường cần gì, nông dân sẽ tự biết cách sản xuất và những hỗ trợ về vốn, giống, đất đai mới có giá trị”.

Thông tin thị trường là công cụ vô giá và đến khi nào sẽ được trang bị cho nông dân nhằm giúp họ thoát cảnh “trồng mù, bán mù”? Đó không chỉ là câu hỏi mà là đơn đặt hàng, thậm chí có thể xem là mệnh lệnh của người nông dân với các cơ quan chức năng.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp