Các thí sinh cho biết đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, câu 2 phần làm văn (5 điểm) yêu cầu phân tích trích đoạn trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả.
Trước đó, bài thơ Đất nước cũng từng vào đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Thí sinh khen đề thi văn có chiều sâu
Tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, nhiều thí sinh nhận xét đề văn năm nay khá dễ nhưng có chiều sâu nội dung.
Thí sinh Thảo Uyên - Trường THPT Lê Quý Đôn - cho biết phần đọc hiểu tương đối hay. Dù đoạn văn tương đối dài nhưng cũng không khó để nắm bắt các ý. Câu cuối của phần đọc hiểu yêu cầu phải liên tưởng để viết về cảm nghĩ của mình.
"Mình thấy đề thi có tính liên kết và có chiều sâu. Phần đọc hiểu về chủ đề đất nước thì phần nghị luận văn học ra bài đất nước. Chỉ có điều mình thấy hơi dài, còn nội dung không khó", Uyên nói.
Còn thí sinh Đăng Tuệ - học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - nhận xét đề thi rất vừa sức. Tuệ nói dù bạn không ôn kỹ môn văn nhưng vẫn có thể làm được. Phần phân tích đoạn thơ trong bài Đất nước khá cơ bản, phần Đọc hiểu không đánh đố.
"Còn phần nghị luận xã hội cho viết về thể hiện cá tính, khá gần gũi với Gen Z. Thí sinh cũng dễ tự do thể hiện suy nghĩ của mình", Tuệ nói.
Thí sinh Nguyễn Mạnh Phú tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh nhận xét đề thi văn năm nay - Video: DOÃN HÒA
Nhiều thí sinh tại điểm thi THCS Hoàng Văn Thụ, Q.10, TP.HCM cũng nói đề thi ngữ văn dễ. Nhiều em ra khỏi phòng thi với nụ cười rạng rỡ, ôm ba mẹ cười tươi.
Em Vũ Minh Hiếu, học sinh Trường THPT Sương Nguyệt Anh, nói em rất thích đề văn năm nay khi đề văn ra bài "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm: "Đề đọc hiểu và làm văn đều vừa sức với em. Em nghĩ mình được 7 điểm".
Trong khi đó thí sinh Ngọc Hiếu chia sẻ em thích nhất là câu đọc hiểu khi nội dung nói về tính kết nối và đoàn kết của mỗi người. "Đề văn hay và vừa sức", em nhận xét.
Em Phúc Vĩnh (Trường THPT quốc tế Á Châu) cũng nói đề văn vừa sức: "Em nhắm mình được 7,5 điểm. Câu nghị luận xã hội về tôn trọng tính cách hay và có tính phân loại".
Khoe mình "trúng tủ" 100%, em Bảo Quân (Trường THPT Ten Lơ Man) nói em đoán được đề dựa trên các sự kiện gần đây ở Việt Nam. "Em dự đoán được tầm 8 điểm trở lên. Phần nghị luận xã hội em khá thích vì cách ra đề mới mẻ", Quân nói.
Hết thời gian thi môn văn, nhiều thí sinh tại các điểm thi ở Đồng Nai rời phòng thi với vẻ mặt vui tươi.
Thí sinh Phương Ling (điểm thi Trường THPT Trấn Biên, TP Biên Hòa) vừa ra khỏi cổng trường đã lao ra ôm chầm người cha đang đợi bên ngoài. Cười tươi rói, Linh cho biết đã "trúng tủ" bài thơ Đất nước nên làm bài rất tốt, dự là điểm môn ngữ văn khá cao.
Tương tự, em Phạm Đức Vinh, đánh giá đề thi văn vừa sức. Trong đó, phần làm văn với bài Đất nước Vinh ôn tập kỹ nên khả năng đạt được điểm tốt.
Tại điểm thi Trường THPT Thành Phố Cao Lãnh, Đồng Tháp thí sinh phấn khởi chia sẻ đề thi nhẹ nhàng, có thể nắm chắc trên 50% điểm số. "Đề thi văn năm nay khá dễ. Mặc dù đề thi có sự phân loại ở phần nghị luận nhưng không đánh đố thí sinh nhiều", thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Oanh nói.
Rời phòng thi sau 120 phút làm bài, nhiều thí sinh ở điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An nở nụ cười, khoe với bố mẹ "trúng tủ".
Bạn Trần Thị Thu Giang ở điểm thi này nhận xét đề thi khá giống với cấu trúc đề thi minh họa và các dạng đề những năm gần đây, trong đó phần ôn tập về bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm được thầy cô ôn tập kỹ.
"Em không bất ngờ với đề thi này và thích phần câu hỏi về nghị luận xã hội, nói về tôn trọng cá tính, đặc biệt với các bạn trẻ hiện nay đều thích thể hiện cá tính của bảnh thân từ đó có thể sáng tạo, lựa chọn cho tương lai của mình", Giang nói và tự tin mình làm hết ba tờ giấy thi, dự đoán được 8 điểm.
"Cầm đề lên, cả phòng thi sung sướng"
Rời phòng thi, nhiều thí sinh Đà Nẵng hào hứng vì đề văn trúng tủ. Thí sinh Trần Huy, điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh, kể khi cầm đề văn, ai cũng vui và ồ lên sung sướng.
Huy cho biết dù ôn hết chương trình nhưng khi sát ngày thi, từ hình ảnh rapper Đen Vâu đăng kéo chiếc thuyền trên cát, nhiều thí sinh dự đoán đề ra tác phẩm Đất nước. Bởi trước đây trong các kỳ thi 2019, 2021... nam rapper này đã đăng hình ảnh về dự án âm nhạc ra mắt trúng thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp.
Dù Đen Vâu không hề có chủ ý nhưng dân mạng, đặc biệt các sĩ tử, cho rằng anh là "nhà tiên tri đề văn" khi hình ảnh anh đăng tải có sự tương đồng với tác phẩm ra trong đề thi cùng thời điểm.
"Cảm ơn chú Đen Vâu. Đề này em làm tương đối tốt, chỉ câu nghị luận xã hội về tôn trọng cá tính cá nhân hơi khó", Huy nói.
Chị Vân Anh, phụ huynh, cũng bày tỏ vui mừng khi con chị học bài Đất nước và "trúng tủ". "Cháu đã trúng tuyển đại học, nay đi thi tốt nghiệp, mừng quá vì môn thi đầu tiên các con vui vẻ vượt qua nhẹ nhàng", chị Vân Anh nói.
Tại điểm thi Trường Quốc học Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), đa số thí sinh đều vui vẻ, phấn khởi sau khi kết thúc môn thi. Theo đánh giá của các thí sinh, đề thi năm nay không khó, vừa sức với học sinh. Em Nguyễn Như Quỳnh hồ hởi nói: "Năm nay em ôn rất kỹ bài Đất nước và đề ra ngay bài này nên em thấy rất thoải mái. Có thể nói là em may mắn nhưng so với các năm trước thì đề thi năm nay không khó".
Trong khi đó, em Trần Nguyên Khôi chia sẻ: "Năm nay đề thi vừa sức với tất cả các học sinh. Em làm bài cũng vừa khớp với thời gian nên thấy rất nhẹ nhàng".
Theo thí sinh Hồ Ngọc Anh, Gia Lai, câu 5 điểm trong phần làm văn nói về trích đoạn Đất nước hoàn toàn nằm trong nội dung chương trình lớp 12. Đây là lợi thế lớn vì các thí sinh đều đã tiếp cận nội dung này trong kỳ học và ôn tập nhiều lần.
Theo Anh, trước khi mở đề các bạn rất lo câu hỏi đinh là nội dung đề mở ngoài chương trình học. Do đó, việc câu hỏi quan trọng nằm trong nội dung sách giáo khoa là điều giúp các bạn rất yên tâm làm bài. Nhiều thí sinh đánh giá đề thi vừa sức, có thể có điểm khá.
Thí sinh Nguyễn Thị Hà Nhi, điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo, Gia Lai, cho hay trích đoạn phần Đọc hiểu 3 điểm tương đối khó hiểu. Theo thí sinh này, đoạn trích Dòng sông và những thế hệ của nước của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khá dài, hàm lượng nghệ thuật rất cao.
Đoạn văn ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc về nghệ thuật, đòi hỏi thí sinh phải liên hệ thực tế, suy nghĩ nhiều mới thấu hiểu được. Tuy nhiên, bố cục đề sắp xếp rất có ý đồ khi ra câu 1 và câu 2 phần Đọc hiểu tương đối dễ. Thí sính có thể có điểm ngay, nếu chịu khoa đọc kỹ đoạn trích thì thấy rõ đáp án.
Hà Nhi nhận xét, câu 3 và 4 trong phần này tương đối khó lấy điểm, đòi hỏi thí sinh phải liên tưởng nhiều tới thực tế và chiêm nghiệm để rút ra được câu trả lời phù hợp.
Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi năm nay không có sự phân hóa cao, tác phẩm ra thi hầu hết đều nằm trong kế hoạch ôn tập của học sinh, nên có thể đạt điểm từ khá trở lên.
Tại Khánh Hòa, bước ra khỏi phòng thi em Lê Hoài Như (thí sinh điểm thi THPT Lý Tự Trọng, TP Nha Trang) cho hay phần nghị luận xã hội năm nay rất hay khi đề cập việc tôn trọng cá tính.
"Em đã dẫn chứng việc các bạn con gái có phong cách tomboy, cá tính của mỗi người do họ lựa chọn, miễn là họ tự tin và yêu chính bản thân mình. Vì vậy, họ cũng cần sự tôn trọng từ mọi người, xin đừng phán xét. Câu nghị luận xã hội này tạo cho chúng em được bày tỏ suy nghĩ. Phần nghị luận văn học ra bài Đất Nước em đã ôn trước nên làm khá ổn, với đề thi này em tự tin đạt ít nhất 7 điểm", Như nói.
Còn Nguyễn Liêm Khiết (thí sinh tại điểm thi THPT Lý Tự Trọng, TP Nha Trang) chia sẻ, đề thi năm nay tương đối vừa sức, không đánh đố các bạn học lực trung bình trở lên đã có thể đạt điểm khá. Đề về bài Đất Nước yêu cầu nhận xét về sự suy tư và cảm xúc của tác giả. Sau khi phân tích đoạn thơ, Khiết đã dẫn chứng về tính trữ tình, tình yêu quê hương đất nước thông qua một số câu ca dao.
Tại điểm thi trường THPT Duy Tân (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), thí sinh Ksor Ho Huyen (18 tuổi, người Êđê) cho biết rất vui mừng khi trúng tủ đề văn năm nay. “Em học tác phẩm Đất Nước rất kỹ do em rất thích tác phẩm này, nên em ôn đi ôn lại tác phẩm này rất kỹ từ sách giáo khoa đến các tài liệu trên mạng. Em rất tự tin điểm môn văn em có thể trên 7 điểm” - Ho Huyen bộc bạch.
Giáo viên nhận xét đề thi văn: Đề an toàn nhưng phân hóa tốt
Theo ThS Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề thi năm nay thuộc diện an toàn nhưng phân hóa tốt. Mục tiêu phân hóa thể hiện ở câu 3 của phần đọc - hiểu. Ngoài ra, mục tiêu này cũng thể hiện ở câu nghị luận xã hội.
Mới nhìn qua, có thể thấy yêu cầu của câu nghị luận xã hội chưa gắn chặt với ngữ liệu của phần đọc - hiểu. Tuy nhiên, nếu thí sinh tinh tế một chút sẽ nhận ra: ý chính của phần đọc hiểu là tính kế thừa và đổi mới. Nếu kế thừa mà không đổi mới thì không có giá trị. Từ đó, sẽ thấy phần đọc - hiểu là tiền đề cho phần nghị luận xã hội. Câu nghị luận xã hội đưa ra vấn đề tôn trọng cá tính cũng rất phù hợp với lứa tuổi thí sinh.
Ở phần nghị luận văn học, tác phẩm Đất nước được xem là phần trọng tâm khi các giáo viên ôn tập cho học sinh của mình. Yêu cầu của đề thi "nhận xét về sự kết hợp cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm" cũng là đặc trưng, là bản sắc của tác giả này.
Tương tự, ThS Nguyễn Văn Phúc, giáo viên môn văn, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão, TP.HCM cũng cho rằng: "Đề thi văn đã bám sát cấu trúc của đề thi minh họa mà Bộ giáo dục và đào tạo đã công bố. Phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội rất phù hợp với tuổi trẻ hiện nay.
Đối với phần nghị luận văn học, bài thơ Đất nước cũng là một trong những tác phẩm trọng tâm của chương trình ngữ văn 12. Đề thi không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra kiến thức ngữ văn đáp ứng yêu cầu của 1 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn khơi gợi tinh thần yêu nước và những giá trị văn hóa dân tộc. Xét trong tình hình hiện nay thì đề thi văn năm nay đã chạm đến sự chờ đợi của thầy cô giáo, của học sinh và của xã hội".
Nhiều giáo viên dạy Văn ở Hà Nội nhận xét đề thi văn năm nay có cấu trúc quen thuộc so với các năm gần đây. Phần đọc hiểu có 4 ý nhỏ tương tự như đề thi tham khảo.
Cô Phạm Thu Phương, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng dù quen thuộc và khá căn bản, nhưng ở phần đọc hiểu cách hỏi ở câu 3 của phần này có sự mới mẻ và hay.
Đề yêu cầu thí sinh liên tưởng dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật có tác dụng gì. Cô Phương cho rằng: “Nếu đáp án ổn thì đây sẽ là câu có tính phân loại thí sinh”. Trong khi đó, trong nhiều năm gần đây chỉ câu 4 của phần đọc hiểu mới là câu mang tính phân hóa khi yêu cầu học sinh “rút ra bài học”.
Nhận xét về toàn bộ đề thi, cô Phương cho rằng đề an toàn, căn bản đều là các dạng học sinh đã được ôn tập khá nhiều. Tuy nhiên một số giáo viên băn khoăn về cách đặt câu hỏi ở câu nghị luận xã hội về “ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính”, và cho rằng câu hỏi không thật gắn với tinh thần của cả đoạn ngữ liệu ở phần đọc hiểu.
Tác giả của đoạn ngữ liệu nói đến việc “đừng tách dời con nước hôm qua với con nước hôm nay”, vì “trong sự tinh khiết và sức chảy của con nước hôm nay chứa đựng sự tinh khiết và sức chảy của nước từ ngàn năm trước”.
Dĩ nhiên, tác giả cũng nêu “ nếu không có những nghệ sỹ của thế hệ tiếp theo thì nghệ thuật sẽ bắt đầu rơi vào bất động và đi tới hủy diệt”.
“Tuy cấu trúc đề thi không bắt buộc câu nghị luận xã hội phải gắn với đoạn ngữ liệu từ phần đọc hiểu, nhưng trong đề thi năm nay, câu nghị luận xã hội không hỏi một vấn đề độc lập, mà có liên quan tới đoạn ngữ liệu, nên tôi cảm giác nó có chút không chặt chẽ”, một giáo viên ở Hà Nội chia sẻ.
Về phần nghị luận văn học trong đề thi, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) nhận xét: "Hai năm qua, câu nghị luận văn học đều yêu cầu phân tích đoạn trích trong tác phẩm văn xuôi, nên năm nay đề yêu cầu phân tích đoạn trích thơ khiến cho nhiều thí sinh cảm thấy phù hợp.
Khi ôn tập, thầy cô và các em đều chuẩn bị tinh thần gặp để phân tích đĐoạn trích tác phẩm thơ. Đoạn trích Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nội dung được ôn tập kỹ. Đặc biệt đoạn trích này nằm ở đầu của bài học, đa số học sinh đều nắm được nội dung cũng như hiểu được tinh thần của những dòng thơ này".
Cô Nguyễn Kim Anh cho rằng đề thi năm nay “dễ thở” đối với đa số học sinh vì quen thuộc, căn bản. Xét về ưu điểm, đề thi cũng hướng học sinh đến những nội dung có ý nghĩa.
Có 7 thí sinh vi phạm quy chế thi trong buổi thi Ngữ văn
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, buổi thi Ngữ văn sáng 27-6 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có trên 1 triệu thí sinh dự thi, chiếm hơn 99% so với số thí sinh đăng ký dự thi. Cả nước có 2,323 điểm thi, với 45.149 phòng thi.
Trong buổi thi Ngữ văn có 7 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý ở mức đình chỉ thi. Trong đó có 3 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi và 4 thí sinh sử dụng điện thoại di động. (năm 2023 số thí sinh vi phạm trong buổi thi đầu tiên là 12 thí sinh).
Ban Chỉ đạo thi quốc gia đánh giá buổi thi đầu tiên diễn ra nghiêm túc.
Có sự vào cuộc của cơ quan an ninh để xác minh những đối tượng liên quan tới việc phát tán tin đồn về đề thi và việc đẩy mạnh tuyên truyền đối với thí sinh nên trước và trong buổi thi đầu tiên, không có tin đồn thất thiệt về đề thi như từng xảy ra các năm trước.
Một thí sinh bị tai nạn giao thông trên đường đi thi
Lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết sáng 27-6, một học sinh nam đi thi tại địa điểm Trường THPT Phú Mỹ đã bị tai nạn giao thông. Em này được xác định bị gãy xương vai và đùi, đã chuyển lên TP.HCM điều trị.
Vị lãnh đạo này cho biết ngay sau khi biết tin, nhà trường và bộ phận coi thi đã hỗ trợ và trấn an gia đình. "Sở sẽ rà lại các quy định để đảm bảo quyền lợi cho em học sinh này", vị này cho biết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến công bố điểm thi tốt nghiệp THPT vào 8h ngày 17-7-2024. Thí sinh có thể xem điểm nhanh tại http://www.xosogialai.org/diem-thi.htm hoặc tại trang quản lý thi của bộ.
Ngày 20-7, báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển với sự tham gia của hàng trăm trường đại học, cao đẳng, đơn vị giáo dục trong và ngoài nước. Tại ngày hội, các chuyên gia sẽ giải đáp mọi câu hỏi liên quan đến quy trình xét tuyển, cách thức đăng ký, xử lý, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh chung của bộ.
Chương trình diễn ra tại khuôn viên Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM (quận 10, TP.HCM) và khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội, vào cửa tự do, mời phụ huynh và thí sinh tham gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận