13/10/2013 05:10 GMT+7

Đề thi mở phải đảm bảo tính nhân văn

TRẦN MINH DUY
TRẦN MINH DUY

TT - Nhiều bạn đọc nhận định như vậy sau khi đọc bài “Lấy chuyện “Bà Tưng” và Ngọc Trinh làm đề thi” (Tuổi Trẻ 10-10). Tuy nhiên, không ít bạn đọc cho rằng cách ra đề như vậy là “mở”, “bản lĩnh” và gần với cuộc sống thực. Tuổi Trẻ tiếp tục trích đăng một số ý kiến.

* Với kiểu đề thi này, xét về mặt tự do của mỗi con người thì vô hình trung chúng ta đã vi phạm quyền tự do, riêng tư của mỗi cá nhân, và chúng ta lại dạy cho học sinh lấy cái tự do đó của họ để bàn luận, phân tích, đánh giá... Việc làm này, về mặt giáo dục là không khả thi vì chúng ta không thể hướng các em đến điều tốt, mong các em làm điều tốt khi dùng hình ảnh phản cảm của những con người chưa có tầm ảnh hưởng, chưa có đóng góp gì cho đất nước, cho xã hội để giáo dục tính nhân văn cho các em! Xét về giáo dục, đây vẫn là một đề thi “đóng” với hình tượng hai nhân vật, đâu phải mở để các em tự tìm tòi, tự nêu và tự bình luận! Đề thi mở phải đảm bảo tính nhân văn để sau khi học sinh nêu lên quan điểm của mình, các em sẽ tự biết phải làm gì để sống tốt!

* Nhất định sẽ có bài văn hay. Nhất định là như thế vì đề mở, các em không bị gò vào các tầm chương trích cú. Nếu em nào trong khoảng 800 từ mà nêu được quan điểm của lớp trẻ trước những cám dỗ vật chất, lối sống hưởng thụ và cách sống phụ thuộc... thì tôi cho là đề thi đã thành công.

* Tại sao học sinh không được tiếp cận với những đề tài thực tế, đang gây bức xúc trong cuộc sống? Đề văn học sinh giỏi của TP Hải Phòng không hề lấy những cô gái đó làm tấm gương tốt cho học sinh noi theo, mà tôi nghĩ họ chính là những tấm gương xấu học sinh cần biết, cần nhận thức để tránh xa. Giáo dục phải gắn liền với đời sống, mà đời sống không luôn bao hàm những mặt tốt đẹp. Điều quan trọng là từ những cái xấu xa trong cuộc sống, giáo dục phải biết định hướng, uốn nắn học sinh hướng theo những giá trị tốt đẹp, đào thải những cái xấu.

* Nếu ví dụ rằng trong nhận thức của tôi có phần nào ủng hộ hai nhân vật đó, liệu tôi có dám trình bày thật suy nghĩ của mình không? Có dám đánh cược “vận mệnh” của mình để lội ngược dòng dư luận không? Hay là tôi lại phải “vào vai” một người có tư tưởng tiến bộ, đi mổ xẻ, phân tích phê phán những nhân vật ấy, theo định hướng của “người lớn” mà tôi đã đọc thấy nhiều. Như vậy ý đồ tìm hiểu của các thầy cô có nguy cơ thất bại, mà lại vô tình rèn cho học sinh nói và làm không thật với suy nghĩ.

TRẦN MINH DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp