Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú, TP.HCM trong giờ học môn lịch sử chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Một làn sóng dư luận đổ lỗi cho chất lượng dạy học không theo kịp mục tiêu đổi mới làm nảy sinh nhiều tranh cãi.
Vì vậy, một tọa đàm khoa học do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì sau hơn hai tuần công bố điểm thi thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều chuyên gia, giáo viên phổ thông, giảng viên khoa lịch sử các trường ĐH được tổ chức ngày 29-7, trong đó có cả những người từng được Bộ GD-ĐT mời tham gia phản biện đề thi.
Giáo viên chỉ là "đáy phễu"
Ngay trước tọa đàm này, có một số giáo viên dạy lịch sử trên các diễn đàn giáo viên đã tỏ ra bức xúc khi bị "đổ lỗi". Có người đã than "giáo viên phổ thông chỉ là đáy phễu. Còn trên miệng phễu là chương trình, là điều kiện dạy học, là cách tổ chức thi, ra đề... Nên đừng chỉ nhìn vào đáy phễu".
Nỗi niềm này cũng đã được đặt lại tại tọa đàm. Môn lịch sử có kết quả thi thấp kỷ lục là "con số biết nói" đã được các chuyên gia, nhà giáo phân tích, thảo luận.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, chủ tịch Hội Giáo dục lịch sử, điều hành tọa đàm - Ảnh: PHẠM LINH
GS.TS Đỗ Thanh Bình, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, liệt kê rất nhiều nguyên nhân được phỏng đoán: chương trình, chất lượng giáo viên phổ thông, việc dạy lịch sử kém hấp dẫn khiến nhiều học sinh không thích học hoặc không chọn môn này vì định hướng nghề nghiệp...
"Vẫn chương trình ấy, vẫn điều kiện dạy học, đội ngũ giáo viên ấy, tại sao năm 2017 kết quả thi lại khác hẳn năm nay?" - ông Bình đặt câu hỏi.
Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Nếu đổ lỗi cho chương trình, SGK và giáo viên, tôi không đồng ý. Giáo viên THPT đã có rất nhiều áp lực và cũng đã rất cố gắng".
Cùng quan điểm với ông Bình, nhiều người tham gia tọa đàm cũng chỉ tập trung vào phân tích một vấn đề mà theo họ, đó là nguyên nhân chính dẫn tới một kết quả thi đáng buồn trong năm nay. Đó là đề thi.
Theo GS Bình, đề thi lịch sử năm nay có rất nhiều vấn đề: nhiều câu hỏi mang tính đánh đố (không hẳn là phân hóa), chưa phù hợp với tư duy lứa tuổi học sinh. Nhiều câu quá khó (ví dụ câu 40 mã đề 301). Nhiều khái niệm thuật ngữ quá khó, mang tính "đánh lừa" học sinh khiến giáo viên và thí sinh bức xúc.
Có những thí sinh phản ảnh đã "quét sạch SGK mà không thể làm được". Nhóm làm đề ra nhiều thuật ngữ khó đến mức thí sinh đọc không hiểu gì. Thậm chí có câu hỏi còn có hai đáp án đúng, ví dụ câu hỏi sự kiện nào làm xói mòn trật tự 2 Ianta.
TS Tưởng Phi Ngọ, giảng viên khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nhận định đề thi lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều câu hỏi không tường minh, ví dụ câu 31, đề 301.
Câu hỏi so sánh năm 1945 và năm 1975: đều thống nhất đất nước. Thực tế sau ngày 9-3-1945 Nhật Bản đã giúp nhà Nguyễn hủy bỏ hiệp ước Pa-tơ-nốt... Trong SGK và các tài liệu đều không khẳng định ý nghĩa Cách mạng Tháng Tám là thống nhất đất nước.
Hay câu hỏi về chiến thắng Phước Long là trận trinh sát chiến lược, nhiều giáo viên và học sinh không biết. Ông cũng đưa nhiều ví dụ cụ thể để cho rằng cách dùng những thuật ngữ trong đề thi lịch sử năm nay không chuẩn.
"Tổ làm đề đã áp đặt quan điểm cá nhân, không bám sát thực tế dạy học lịch sử ở phổ thông".
GS.TS Đỗ Thanh Bình
Không chỉ học sinh thấy khó
Khá nhiều giáo viên phổ thông tham dự tọa đàm trên đã cho rằng chính họ cũng gặp khó khăn với đề thi lịch sử. Bên cạnh nhiều câu hỏi có nhiều đáp án đúng nên khó có thể biết chọn phương án nào thì có điểm, còn có nhiều câu khó hiểu, không hỏi trúng bản chất của sự kiện lịch sử.
Cô Trương Thị Thu - giáo viên dạy lịch sử Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội - bày tỏ: "21 năm trong nghề, có kinh nghiệm trong việc ôn thi tốt nghiệp và ĐH cho học sinh nên tôi nhận thấy đề thi năm 2018 không giới hạn, không trọng tâm, quá dài và quá tải".
Cô Thu cho rằng nếu nói đổi mới đề thi theo hướng phát triển năng lực người học thì chưa đúng với đề thi năm nay khi có nhiều câu hỏi vụn, không có ý nghĩa giáo dục như câu hỏi về nguồn gốc xuất thân người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Cô Thu cũng cho rằng một đề thi như thế khó có thể truyền cảm hứng cho giáo viên dạy lịch sử trong các trường phổ thông đổi mới sáng tạo.
"Đề thi lịch sử năm nay không đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc đánh giá. Cụ thể là đề không tập trung vào kiến thức cơ bản, hỏi nhiều thuật ngữ nằm ngoài SGK".
GS.TS Nguyễn Thị Côi
Cô Lê Thị Huyền - Trường THPT chuyên Sơn Tây, Hà Nội, một trong những giáo viên tham gia phản biện đề thi lịch sử năm nay - cho biết: "Tham gia phản biện xong về, tôi lo lắng cho học sinh. Tôi đã từng kiến nghị khi đọc phản biện đề là không thể hỏi những câu hỏi như thế này vì quá thách đố. Khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án và điểm thi tôi càng cảm thấy lo lắng, bất lực".
"Dù kinh nghiệm nhiều năm dạy ôn thi nhưng bản thân tôi chỉ làm được 9 điểm" - cô Huyền nói thêm.
Cô Đỗ Thị Cúc - giáo viên Trường THPT Trưng Vương, Hưng Yên - phát biểu: "Chúng tôi đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nhưng việc đổi mới này lại không tương thích với kỳ thi THPT quốc gia, không bám sát thực tiễn dạy học ở phổ thông, thậm chí đề thi minh họa cũng không thật tương thích với đề thi thực tế trong kỳ thi".
"Nhiều học sinh và cả giáo viên bị sốc vì đề thi và điểm thi" - cô Trần Thị Bình, giáo viên Trường THPT Lào Cai 1, tỉnh Lào Cai, chia sẻ và lo lắng vì với hướng ra đề như thế này sẽ không biết phải dạy và hướng dẫn học sinh ôn tập như thế nào, vì nếu theo đúng kế hoạch đề thi năm tới có thể sẽ có cả phần lịch sử lớp 10.
"Năm nay có nguy cơ Trường ĐH Sư phạm Huế không tuyển được sinh viên vào khoa lịch sử vì theo quy định, điểm lịch sử phải trên 5 điểm. Rõ ràng cách ra đề thi lịch sử năm nay có vấn đề khi quá khó đối với thí sinh, giáo viên".
PGS.TS Nguyễn Thành Nhân - Trường ĐH Sư phạm Huế
Kiến nghị không thi trắc nghiệm môn lịch sử
Đề nghị đưa môn lịch sử về hình thức thi tự luận như trước đây là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà giáo tại tọa đàm.
PGS.TS Đào Tuấn Thành, trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đưa ra một dữ liệu khiến nhiều người chú ý là chất lượng của sinh viên khoa lịch sử năm thứ nhất, thứ hai sau khi tuyển chọn thí sinh vào trường bằng hình thức trắc nghiệm thấp hơn hẳn so với thi tuyển bằng tự luận.
Một số giáo viên phổ thông cho rằng để học sinh thích học lịch sử, cần có những đổi mới sáng tạo để học sinh được trải nghiệm qua hoạt động, mở rộng không gian lớp học thông qua các buổi học tại bảo tàng, di tích, nghe các nhà sử học nói chuyện, qua các dự án nghiên cứu, cuộc thi.
Đặc biệt, cách truyền cho học sinh sự yêu thích, tự hào về lịch sử nên qua các câu chuyện. Nếu như thế việc thi trắc nghiệm với những câu hỏi kiểm tra kiến thức cụ thể, vụn vặt, thậm chí máy móc sẽ chỉ khiến học sinh bị áp lực, căng thẳng, sợ lịch sử, hoặc sẽ từ chối chọn lịch sử để tập trung vào các môn học khác.
TS Tưởng Phi Ngọ, GS.TS Nguyễn Thị Côi, PGS.TS Đinh Ngọc Bảo, khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đều có chung kiến nghị: "Không thi trắc nghiệm môn lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm sau".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận