24/11/2024 11:06 GMT+7

Để rộng đất cho quyền lực mềm: Công nghiệp văn hóa không phát triển chỉ bằng tình yêu

Bà NGÔ THỊ BÍCH HẠNH, phó chủ tịch Công ty BHD, trò chuyện với Tuổi Trẻ trước thềm Quốc hội bấm nút biểu quyết dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng dự kiến vào ngày 26-11 tới.

Để rộng đất cho quyền lực mềm: Công nghiệp văn hóa không phát triển chỉ bằng tình yêu - Ảnh 1.

Cánh đồng bất tận là phim của BHD đánh dấu thời kỳ tư nhân làm phim - Ảnh: ĐPCC

Bà Hạnh nói giới làm phim ảnh như đang ngồi trên đống lửa! Công ty BHD của bà Hạnh là một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối, hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh.

Mong mỏi không phải hão huyền

* BHD tiên phong về xã hội hóa truyền hình trong những năm 1990. Lúc đó bối cảnh truyền hình, điện ảnh Việt Nam ra sao?

- Lúc BHD ra đời (năm 1996), Việt Nam còn chưa có cơ chế cho hãng phim tư nhân. Sang đầu những năm 2000, tình hình mới khác đi. Chúng tôi làm hoặc phối hợp sản xuất các phim Cánh đồng bất tận, Những nụ hôn rực rỡ, Cô dâu đại chiến

Rồi trước bối cảnh sóng truyền hình tràn ngập các phim Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các đài truyền hình phải dành 50% thời lượng phát sóng giờ vàng cho phim Việt. Tình hình rất gấp nên các đài lo sốt vó, phải liên kết với tư nhân để thực hiện. Các phim Cô gái xấu xí, Bỗng dưng muốn khóc do BHD làm ra đời như thế.

Giờ nhìn lại tôi đánh giá đó là một trong những động thái, "cú hích" về chính sách đầu tiên và khá kịp thời từ Nhà nước nhằm khuyến khích phim nội địa phát triển. Nếu không có yêu cầu đó thì e rằng phim giờ vàng giờ đây vẫn tràn ngập phim ngoại.

* Gần 30 năm trôi qua, bà thấy chúng ta có thêm nhiều chính sách khuyến khích điện ảnh phát triển không?

- Tôi thấy chưa có nhiều sự thay đổi đáng kể. Thời điểm trước khi Luật Điện ảnh 2022 (sửa đổi) ban hành, các nhà làm phim hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều chính sách mới hỗ trợ công nghiệp điện ảnh phát triển.

Song rốt cuộc luật cũng không thể quy định cụ thể những chính sách về tài chính và thuế nên chỉ có thể ghi chung chung rằng Nhà nước có "chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế".

Sau khi Luật Điện ảnh được áp dụng, Luật Thuế VAT mấy ngày tới sẽ là luật đầu tiên về thuế mà Quốc hội thông qua liên quan đến công nghiệp điện ảnh, giới làm phim tiếp tục chờ đợi và hy vọng.

Song theo dự thảo luật, các hoạt động văn hóa, trong đó có sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim, thay vì được hỗ trợ giảm thuế từ 5% xuống 3% hoặc lý tưởng là 0% thì dự kiến tăng gấp đôi.

Chúng tôi rất buồn. Bởi sự mong mỏi của những người làm phim chúng tôi không phải là một thứ mơ mộng hão huyền mà có cơ sở, dẫn chứng từ nhiều nghị quyết, hội thảo của Quốc hội và Chính phủ liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua.

Thuế VAT là thuế đánh vào dịch vụ trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Với những người làm điện ảnh, khán giả là yếu tố quan trọng nhất. Nếu giá vé tăng, khán giả sẽ cân nhắc chuyện ra rạp, doanh thu chung của ngành bị ảnh hưởng là không tránh khỏi.

Để rộng đất cho quyền lực mềm: Công nghiệp văn hóa không phát triển chỉ bằng tình yêu - Ảnh 2.

Cô dâu đại chiến là phim của BHD đánh dấu thời kỳ tư nhân làm phim - Ảnh: ĐPCC

Ta chưa làm công nghiệp văn hóa

* Thị trường điện ảnh Việt Nam thay đổi thế nào gần 30 năm qua?

- Tăng trưởng mạnh mẽ. Từ doanh thu chỉ khoảng 3 triệu USD vào năm 2008, 52 triệu USD năm 2012, đến năm 2019, tức trước COVID-19, doanh thu điện ảnh Việt Nam lập đỉnh với 173 triệu USD. Tới năm 2023, doanh thu phòng vé Việt Nam đạt 151 triệu USD.

Tuy nhiên các doanh nghiệp điện ảnh đang gặp rất nhiều khó khăn sau dịch. 10 năm vừa qua, doanh thu phim Việt chỉ chiếm khoảng từ 18 - 33% và phim nhập khẩu đang thắng thế với tỉ lệ khoảng từ 67 - 82% tổng doanh thu phòng vé.

Chỉ một vài năm sau dịch COVID-19, lần đầu tiên top 10 phim có doanh thu cao nhất phòng vé có 6 phim Việt Nam, là thời điểm vàng để điện ảnh Việt Nam phát triển.

Mặt khác thị trường điện ảnh thời gian qua phát triển nóng, chi phí vận hành rạp cao nên khả năng sinh lời chưa tốt, thị trường phát triển thiếu bền vững, rất cần bàn tay điều tiết của Nhà nước.

Tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam vẫn có thể phát triển hơn nữa, chiếm 50 - 60% thị phần, có thể lọt top 10 doanh thu phòng vé trên thế giới. Song phim Việt, văn hóa Việt có phát triển không? Việt Nam chỉ là nơi tiêu thụ 80% văn hóa nước ngoài như trước không? Tất cả tùy thuộc rất nhiều vào các chính sách của Nhà nước.

Để rộng đất cho quyền lực mềm: Công nghiệp văn hóa không phát triển chỉ bằng tình yêu - Ảnh 3.

Nguồn BHD - Đồ họa: T.ĐẠT

* Theo bà, do đâu?

- Công nghiệp điện ảnh mới bắt đầu phát triển ở Việt Nam khoảng 15 năm nay, hiện chủ yếu được vận hành như là văn hóa chứ chưa phải công nghiệp văn hóa cả về mặt chính sách, con người làm văn hóa và quản lý văn hóa.

Khác nhau cơ bản giữa hai khái niệm này là "công nghiệp" văn hóa được sản xuất với nguồn vốn dồi dào, quy mô lớn và có sự thúc đẩy mạnh mẽ của các tiến bộ về công nghệ, khoa học và kỹ thuật.

Mặt khác, khi nói "công nghiệp" tức nó là một bộ phận của nền kinh tế để sản xuất ra sản phẩm phục vụ người tiêu dùng với mục đích mang lại lợi nhuận nên sẽ bị lợi nhuận chi phối.

Vì vậy những chính sách rất cụ thể hỗ trợ về thuế, về phí, về nguồn vốn và thủ tục hành chính… cho các doanh nghiệp điện ảnh quan trọng hơn bao giờ hết.

Các khẩu hiệu "đao to búa lớn" ở mặt định hướng tuyên truyền thì rất tốt rồi, nhưng nếu không có các chính sách đi kèm thì khẩu hiệu chỉ dừng ở khẩu hiệu thôi…

* Nhiều nhà làm phim nói với nhau "làm chủ yếu vì đam mê"...

- Người Việt tài năng, bẩm sinh lãng mạn nên có những thứ người ta làm vì tình yêu. Nhưng đó sẽ chỉ là một khoảng thời gian nào đó trong đời họ mà thôi.

Người ta không sống được chỉ với tình yêu. Tương tự, một nền công nghiệp không thể chạy/sống và phát triển được chỉ bằng tình yêu. Phải có chính sách cụ thể cho nó thì nền công nghiệp ấy mới phát triển, mới vươn xa được.

* Để vận hành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh, cần sự đồng bộ về mặt chính sách và thực tiễn. Phải chăng Việt Nam chưa sẵn sàng?

- Hiện điện ảnh và công nghiệp nội dung ở các nước trên thế giới đang chia ra hai loại. Một là điện ảnh/công nghiệp nội dung quốc gia được vận hành như thị trường mở, thiếu sự điều tiết của Nhà nước.

Với các nước có nền công nghiệp điện ảnh mạnh như Mỹ, Ấn Độ thì sẽ phát triển mạnh. Song với các nước có nền công nghiệp điện ảnh yếu sẽ trở thành thị trường tiêu thụ phim của các nền công nghiệp điện ảnh lớn mạnh khác.

Thiếu điều tiết, thiếu các chính sách hỗ trợ và đồng hành thì sẽ chỉ còn cá lớn nuốt cá bé.

Phim ngoại ăn khách thì cứ chiếu phim ngoại. Trong khi đó sản xuất phim Việt quá nhiều rủi ro, tốn kém, lại không nhận được sự hỗ trợ nào thì không ai dại gì mà đầu tư cả. Chúng ta có khả năng thua trên sân nhà.

Hai là điện ảnh/công nghiệp nội dung quốc gia được vận hành như thị trường có chính sách điều tiết của Nhà nước.

Với thị trường mở cửa như Pháp và Hàn Quốc, họ hỗ trợ tài chính hoặc hạn ngạch với lĩnh vực điện ảnh. Họ mở cửa cho phim ngoại nhưng có những chính sách khuyến khích sự hợp tác đồng thời dành một thị phần lớn cho công nghiệp điện ảnh trong nước.

Với thị trường Trung Quốc, họ hoàn toàn ưu tiên điện ảnh nội địa. Họ kiểm soát thị trường bằng số phim nhập cụ thể…

Theo quy luật tất yếu, công nghiệp điện ảnh vẫn sẽ phát triển bất kể Nhà nước hỗ trợ hay không hỗ trợ. Có điều nền công nghiệp đó có sự điều tiết của Nhà nước hay không? Có những chính sách hỗ trợ cho văn hóa trong nước không? Hay là để kinh tế thị trường điều khiển, tự sinh tự diệt?

Tất nhiên so với các ngành khác, ở ta văn hóa là ngành không ra tiền bằng nhưng nó được xem là ngành có "sức mạnh và quyền lực mềm", quảng bá thương hiệu quốc gia hữu hiệu. Điều này các quyết sách của Nhà nước và Chính phủ đều đề cập. Đó cũng là lý do nhiều nước trên thế giới quan tâm và bảo hộ cho văn hóa nhiều.

Điện ảnh cần ưu đãi thuế

Để rộng đất cho quyền lực mềm: Công nghiệp văn hóa không phát triển chỉ bằng tình yêu - Ảnh 10.

Phó chủ tịch Công ty BHD Ngô Thị Bích Hạnh

Tôi nhớ để thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam từng có nhiều loại công cụ chính sách được sử dụng, trong đó có ưu đãi thuế.

Điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung chưa nhận được những chính sách như thế từ khi Nhà nước có chính sách tập trung phát triển công nghiệp văn hóa trong khoảng 10 năm gần đây.

Ngay khi công nghiệp văn hóa bắt đầu có dấu hiệu phát triển thì việc tăng thuế VAT gấp đôi là quá vội vàng và thực sự không phù hợp.

Nếu coi và muốn phát triển điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung là một ngành công nghiệp thì phải có những chính sách về thuế, phí, nguồn vốn và thủ tục hành chính… hỗ trợ đi kèm.

Không thể nói một cách chung chung được.

Ngô Thị Bích Hạnh

Để rộng đất cho quyền lực mềm: Công nghiệp văn hóa không phát triển chỉ bằng tình yêu - Ảnh 5.Quyền lực mềm chưa được ưu đãi xứng đáng thì phát triển công nghiệp văn hóa ra sao?

Dự kiến kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 sẽ biểu quyết về Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) vào ngày 26-11. Thuế dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim từ 5% có thể sẽ tăng lên 10%

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp