Ông Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: Tự Trung |
Theo quyết định năm 2010, đến năm 2030 quy mô dân số của đảo vào khoảng 400.000 người. Hiện nay Phú Quốc có khoảng 108.000 dân (thuộc nhóm dân số tĩnh, không kể khách du lịch và vãng lai), như thế dân số sẽ tăng thêm gần 300.000 nữa chỉ trong 15 năm tới.
Câu hỏi ở đây là có cần thiết phải gia tăng dân số với quy mô lớn và tốc độ nhanh như thế không?
Chắc chắn là số tăng này là tăng cơ học, nếu không kiểm soát tốt thì dân số tăng thêm này có thể là một tai họa một khi chất lượng dân cư thấp, người tử tế thì ít mà những người bâu đến kiếm chác thì nhiều, mà chắc trong đó không thiếu tội phạm, mại dâm, nghiện ngập.
Thật ra để phục vụ cho du lịch thì không cần nhiều mà cần “tinh”, cần những người chuyên nghiệp làm việc trong các cơ sở du lịch và huy động người dân bản địa tham gia theo quan niệm “toàn dân làm du lịch”.
Dễ xảy ra va đập văn hóa
Tiếp đó là xác định lại mô hình phù hợp cho Phú Quốc để trả lời câu hỏi: Thiên hạ sẽ kéo đến Phú Quốc vì cái gì? Liệu Phú Quốc có cần những quảng trường, đại lộ thênh thang?
Có cần phải xẻ bờ biển theo kiểu “phân lô bán nền” để làm các resort san sát nhau, có nhất thiết phải cho ra đời các khu giải trí hoành tráng như Macau, Hong Kong hay là phát triển Phú Quốc thành một hòn đảo xanh với cảnh quan tự nhiên, biển và khí trời trong lành mà thiên nhiên ban tặng?
Nếu sự hấp dẫn tỏa ra từ casino, các tụ điểm ăn chơi thì chắc gì đã hơn được Macau, Las Vegas. Một khi nơi đây trở thành đô thị cho dù là đô thị du lịch thì việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi văn hóa và lối sống sẽ diễn ra tất yếu.
Chúng ta thử hình dung ra một kịch bản là khi có đến 2 - 3 triệu khách du lịch đến đây hằng năm, Phú Quốc sẽ trở thành đô thị dịch vụ, thương mại và giải trí. Chắc chắn là các loại vui chơi giải trí cầu kỳ xa hoa và tốn kém sẽ xuất hiện như vũ trường, nhà hàng, casino...
Lúc đó lũ lượt những người từ nơi khác kéo đến, một thế giới “son phấn, khói thuốc và men rượu”, kể cả những thế lực ngầm, băng nhóm được hình thành rất xa lạ với người bản địa.
Không phải người dân nào cũng thích nghi được với kiểu sống này để dễ dàng từ bỏ lối canh tác nông nghiệp và đánh bắt thủy sản truyền thống, thay đổi lối sống từ truyền thống sang lối sống đô thị hiện đại và khi đó sẽ diễn ra một quá trình va đập văn hóa liên tục, dai dẳng.
Khi ấy bản sắc văn hóa biển đảo của họ sẽ suy giảm rất nhanh và xã hội có thể rơi vào khủng hoảng.
Kiểm soát xã hội
Cuối cùng phải bàn đến kiểm soát xã hội. Phát triển bao giờ cũng phải đi cùng với kiểm soát (control), nếu các cơ quan công quyền không kiểm soát và điều tiết được tiến trình phát triển thì sớm hay muộn các tiêu cực sẽ phát sinh vượt qua tầm với.
Do vậy cơ quan công quyền cần phải tính toán trước được quy mô, lộ trình và các rủi ro để chủ động phòng ngừa, đối phó.
Những gì đang diễn ra ở Phú Quốc cho thấy lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc đang bị động, không chuẩn bị được nguồn lực cho một kịch bản phát triển nhanh và nóng.
Lẽ ra việc tập huấn cán bộ, tăng cường đội ngũ an ninh mạnh, chuyên nghiệp, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn bị tâm lý cho người dân phải được tính đến từ vài năm trước, chứ không phải khi tội phạm gia tăng, nhất là những vụ giết người thì mới tính việc xin thành lập trung đoàn cảnh sát cơ động.
5 yếu tố để thành công Ngoài những cái gọi là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” ra cần phải có ít nhất năm yếu tố: các nhà chính trị thông tuệ và bộ máy quản lý thạo việc, một nhạc trưởng tài ba có khả năng điều binh khiển tướng, một bản quy hoạch tổng thể tốt, những tham mưu giỏi, các nhà đầu tư có tầm và có tâm. Tất cả những thứ này đều chưa xuất hiện hay có nhưng chưa đủ độ chín ở Phú Quốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận