12/05/2017 15:45 GMT+7

​Đề phòng mù lòa ở người cao tuổi

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Khi tuổi đã cao, cơ thể sẽ trải qua nhiều biến đổi như giảm thị lực, sức đề kháng, giảm khả năng hấp thu và chuyển hóa.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh mà người già hay mắc phải như đái tháo đường, tăng huyết áp... đã làm ảnh hưởng đến thị giác, có thể dẫn đến mù lòa. Vì thế, người cao tuổi cần biết cách bảo vệ thị giác của mình để phòng tránh mù lòa.

Những bệnh về mắt ở người cao tuổi

Ngoài những bệnh lý ở mắt như các lứa tuổi khác thì người cao tuổi thường gặp những bệnh về mắt sau đây:

1. Đục thủy tinh thể (cườm):

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu ở người cao tuổi. Bệnh xảy ra ở cả 2 mắt, mức độ nhìn mờ thường khác nhau. Ban đầu, người bị đục thủy tinh thể giảm dần thị lực nhìn xa do ánh sáng bị cản trở ngày càng nhiều vào võng mạc, sau đó thị lực nhìn gần cũng giảm dần.

Hiện nay, không có thuốc điều trị bệnh đục thủy tinh thể, phương pháp duy nhất là phẫu thuật thay thế thủy tinh thể nhân tạo.

2. Glôcôm

Đây là tình trạng tăng áp lực trong nhãn cầu, thường bắt đầu sau tuổi 40. Áp lực trong mắt cao đã đè ép và dần dần gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác, gây mù không hồi phục.

Người ta nhận thấy, các yếu tố nguy cơ của bệnh glôcôm là tuổi tác, yếu tố di truyền, người bị cận thị, dùng thuốc không kiểm soát hay do cấu trúc nhãn cầu, chấn thương cũ, đục thủy tinh thể có biến chứng hoặc mắc các bệnh viêm trong nhãn cầu...

3. Thoái hóa hoàng điểm tuổi già

Hoàng điểm là trung tâm của võng mạc, nơi hội tụ tất cả các hình ảnh rõ nét nhất, giúp nhìn chi tiết cảnh vật. Khi hoàng điểm bị thoái hóa, mắt sẽ giảm thị lực, biến đổi hình và màu sắc.

Nguyên nhân chính của thoái hóa hoàng điểm là do tuổi, môi trường, do di truyền và ảnh hưởng từ các bệnh lý toàn thân. Nếu biết cách dự phòng sẽ hạn chế được phần nào tác động từ các yếu tố gây bệnh.

4. Bệnh võng mạc do đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường thường có những biến chứng, gây ảnh hưởng đến mắt. Sau 5 năm mắc bệnh đái tháo đường, nếu người bệnh không điều trị để kiểm soát mức đường huyết sẽ làm cho hệ thống mạch máu của võng mạc bị tổn thương.

Nếu người bệnh đái tháo đường theo dõi biến chứng tại mắt thường xuyên, dự phòng và điều trị kịp thời thì phần lớn tránh được biến chứng mù lòa do đái tháo đường gây ra.

5. Bệnh võng mạc do tăng huyết áp

Tăng huyết áp gây vỡ hoặc tắc nghẽn mạch máu võng mạc và gây mù khó hồi phục hoàn toàn, dễ tái phát.

Khi bị tăng huyết áp, mạch máu nuôi dưỡng võng mạc bị tổn thương, làm cho võng mạc suy yếu chức phận cảm nhận ánh sáng.

6. Quặm

Là loại lông mi quặm do di chứng của bệnh mắt hột.

Lông quặm quét vào mắt lâu ngày sẽ gây ra xước, viêm loét và sẹo giác mạc (tròng đen), cản trở ánh sáng vào mắt, gây mù lòa.

7. Khô mắt

Khô mắt rất hay gặp ở tuổi già do chất lượng nước mắt ngày càng kém đi. Người bị khô mắt hay chảy nước mắt thường xuyên, cảm giác cộm xốn và rát mắt.

Ngoài ra, một số bệnh về tim, gan, thận... hay do dùng thuốc chữa bệnh toàn thân kéo dài cũng ảnh hưởng đến mắt.

Phòng ngừa và hạn chế những bệnh về mắt ở người cao tuổi

Người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh về mắt, do đó cần chú ý tới những biện pháp sau để bảo vệ đôi mắt của mình:

- Cần có một cuộc sống tinh thần tốt

Người cao tuổi nên xây dựng một cuộc sống vui vẻ, tránh những khúc mắc, âu lo và các stress trong cuộc sổng thường ngày.

- Xây dựng những thói quen sinh hoạt hợp lý

+ Ngủ điều độ (7 - 8 tiếng/ ngày).

+ Luyện tập thể dục đều đặn, hình thức tùy theo thời tiết trong năm, ít nhất là 1 giờ mỗi ngày và phải toát mồ hôi.

+ Tập thở sâu nơi thoáng mát, tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh.

+ Uống đủ nước. Do chức năng của trung tâm điều nhiệt trên não suy yếu nên người cao tuổi ít thấy khát nước khi thiếu nước. Cách đơn giản là khi nhìn thấy màu nước tiểu vàng là cơ thể đang thiếu nước, cần uống thêm.

+ Buổi sáng nên lau mặt bằng khăn ấm, chườm nhẹ lên mí mắt.

+ Tránh uống rượu, thuốc lá và môi trường khói bụi.

- Chú ý đến chế độ dinh dưỡng

+ Dùng thức ăn đa dạng, nhiều loại thực phẩm khác nhau.

+ Ăn thêm các thực phẩm có chứa các chất chống oxy hóa là Lutein/ Zeaxanthin có trong lòng đỏ trứng, rau quả có màu đậm: củ cải xanh, đậu Hà Lan, xà lách, bông cải xanh, bắp màu vàng, quả kiwi, cà rốt, ớt, bơ...

+ Ăn nhiều trái cây, nhiều cá và chất xơ.

+ Tránh ăn quá nhiều thịt heo, thịt bò; giảm ăn đường, thịt, tinh bột và chất béo.

+ Ăn nhiều bữa trong ngày.

- Đi khám mắt định kỳ

+ Khám mắt định kỳ 3 đến 6 tháng một lần và làm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt.

+ Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt.

+ Mang kính râm khi ra trời nắng, loại kính lọc tia tử ngoại.

+ Kiểm soát tốt bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường và các chức năng gan, thận.

- Sử dụng một số thuốc bổ trợ

+ Người cao tuổi nên bổ sung các thuốc có chứa các tiền chất của vitamin A như Lutein, thuốc Ocuvit vitamin E, các thuốc có chứa Zeaxanthin, kẽm và Polivitamin có trên thị trường như Omega 3-6-9, Centrum... hoặc thuốc tương đương khác nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

+ Dùng các thuốc nước mắt nhân tạo và một số thuốc tăng cường điều tiết theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp