Phóng to |
Cường, một dân đi du lịch có khá nhiều kinh nghiệm dẫn bạn từ Sài Gòn lên Đồng Văn (Hà Giang) tháng 10 năm nay, đã lắc đầu ngao ngán rời khỏi những ruộng tam giác mạch được những người Mông không biết nói tiếng Kinh canh giữ, nhưng thái độ như xua đuổi du khách vào “quấy phá” vườn nhà. Trên các diễn đàn mạng, đây đó là những lời than phiền rằng người Mộc Châu (Sơn La) đã nhìn du khách đầy cảnh giác, lảng tránh. Đôi khi còn gây khó dễ, tịch thu xe cộ, máy ảnh rồi... vòi tiền. Còn gì buồn hơn?
Cách đây vài năm, khi phong trào đi “phượt” chưa rầm rộ, những cảm nhận của du khách khi đến với Mộc Châu hay Đồng Văn thật ấn tượng và đặc biệt, cái ở lại sâu lắng hơn cả chính là sự mộc mạc, thân thiện của người dân bản địa. Nhưng giờ đây, điều đó đang mất dần.
Không phải vô cớ mà bà con vốn dĩ cách xa sự bon chen, xô bồ của cuộc sống lại có phản ứng như vậy. Thái độ vô tư, hồn nhiên một cách thái quá của nhiều bạn trẻ đã làm người dân mất cảm tình. Đi đoàn đông, gây ồn ào, tự do vào giữa vườn hoa chụp ảnh, giẫm nát cây cỏ, bẻ hoa không xin phép... Một số du khách trả tiền cho người dân bản địa và cho phép mình tùy tiện làm những gì mình muốn và tư tưởng “mình đã trả tiền” đã làm hỏng chính hành động của họ, đồng thời tạo tiền lệ xấu cho văn hóa địa phương. Trẻ con và cả người lớn ở cao nguyên đá đã bắt đầu muốn chạy ra đường “xin tiền” du khách. ở Ma Lé hay Mã Pì Lèng, đám trẻ thậm chí bất chấp nguy hiểm vừa chạy theo ôtô, vừa xòe tay xin tiền.
Xin hãy thận trọng, khi đi du lịch ở những vùng đất cần phải giữ gìn cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa truyền thống. Hãy biết tiếp cận với người địa phương thông qua thái độ hòa nhã, thân thiện khi đến và đi. Tự biết phải làm gì để bảo vệ thành quả lao động của bà con, kể cả khi cảm ơn bằng cách tặng một món tiền cho chủ nhà, chủ vườn. Cũng là tiền, nhưng cách cho và nhận như thế nào sẽ giúp hai bên đều thấy ấm áp, tình cảm thay vì người trả ấm ức, còn người nhận thì khó chịu, hoặc nếu không vì tiền thì cũng không cho du khách vào vườn.
Chúng ta không mong đợi một “Sa Pa” thứ hai, thứ ba với những biến đổi tiêu cực trong hành trình du lịch hóa. Ở góc độ vĩ mô hơn, có lẽ các cấp chính quyền cũng cần có những động thái định hướng, hỗ trợ trong việc nhìn nhận nhu cầu của du khách và vấn đề làm kinh tế của địa phương. Trước tiên, phải xác định rằng các mùa hoa cải ở Mộc Châu hay tam giác mạch ở Hà Giang đã tạo một sức hút đáng kể về du lịch. Vậy hãy khuyến khích bà con trồng hoa cải, tam giác mạch, hãy hướng dẫn bà con kiểm soát và có thu phí với các điểm nhìn ngắm, chụp ảnh. Du khách, nếu trả tiền, cũng thấy hài lòng với cảnh quan và thái độ của người dân.
Phóng to |
Một đồng hoa cải ở Mộc Châu bị giẫm nát sau một “pha” chụp ảnh - Ảnh: Hoàng Hà Mai |
Để những mùa hoa vẫn còn trở lại mỗi năm và để du khách còn muốn quay lại với điểm đến, mỗi một “dân đi” hãy luôn nhớ một câu nói nổi tiếng trong ngành du lịch: “Không lấy đi gì ngoài những tấm ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”. Nhưng xin ghi nhớ, những dấu chân lữ khách cũng nên đặt đúng chỗ, đừng đặt vào ruộng hoa, ruộng lúa đẹp như tranh vẽ ấy.
Thành viên có nick saobang2011 của diễn đàn phuot.vn kể lại: “Đoàn mình vừa về đầu tuần này, tam giác mạch đã nở nhiều và đẹp. Nhưng có quá nhiều hình ảnh không đẹp của các “phượt tử” và khách du lịch. Từng đoàn, từng đoàn ùa vào ruộng hoa tạo dáng..., hoa tả tơi rạp dưới chân người, rồi bị đè bẹp cả một khoảng để ngồi cho áo váy khỏi bị bẩn. Chụp xong, họ kéo nhau đi với cả ôm hoa to đùng cột sau xe máy! Cứ như vầy sẽ còn được mấy mùa hoa?”... Nick Sonvc viết: “Nhìn bức hình này của bác... lại làm em chạnh lòng khi nghĩ đến mùa hoa cải Mộc Châu năm rồi. Chủ vườn ra tận ruộng chỉ để đuổi khách vì cứ giẫm bừa lên hoa màu nhà người ta... Các “mẫu”, các bác chụp ảnh mà cứ “ruộng hoa tung cánh”... thế này thì những người đi sau ngắm gì?”. Và đây là lời kêu gọi của thành viên transon_travel: “Hãy đặt mình vào địa vị là người trồng, hơn nữa người trồng đây là người dân tộc, nghèo lắm, tam giác mạch là phần sự sống của họ. Mong mọi người trước khi bước vào ruộng hoa hãy trân trọng công sức của bà con, trân trọng miếng cơm manh áo của họ”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận